Bệnh nhân là anh Trần Văn Tuấn – 22 tuổi, công nhân công trường khai thác, Công ty Than Khe Chàm, Mông Dương, Quảng Ninh. Anh Tuấn cho biết, buổi sáng trong quá trình khai thác than ở hầm lò, anh bị đá rơi vào khoeo chân bên trái. Vì thấy vết thương rỉ ít máu với đường kính rất nhỏ 0,5cm nên anh Tuấn đã tự sơ cứu qua loa. Nhưng đến chiều cùng ngày, anh thấy khoeo chân căng tức, dùng tay ấn vào chỗ căng thì rất đau, anh Tuấn đã đến Bệnh viện ĐKKV Cẩm Phả để khám. Tại BV, anh Tuấn được các BS khám và phát hiện tổn thương rất đặc biệt: toàn bộ từ cẳng chân trái đến hố nách trái có khí dưới da lép bép (nghe như tiếng lép bép trên bếp than lửa hồng). Da khoeo chân bên trái bị rách 0,5cm, xung quanh có quần nề đỏ nhẹ, không có mùi hôi, gối trái sưng nề rất nhiều.
Vết loét.
Bệnh nhân lập tức được chỉ định chụp Xquang, làm xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng đông máu và chức năng gan thận, chụp CT ngực, CT bụng. Kết quả lâm sàng cho thấy có tràn khí dưới da hoàn toàn bên trái từ hố nách đến cổ chân trái trong đó khí đã lan cả vào ống sống qua các lỗ rễ thần kinh thoát ra.
Sau khi hội chẩn với các bác sĩ chuyên ngành, bệnh nhân được chẩn đoán trước mổ là nhiễm khuẩn sinh hơi do vết thương gối trái giờ thứ 12 nghi ngờ do cổ khuẩn. Bệnh nhân có chỉ định mổ cấp cứu. Ngay lập tức, trong thời gian ngắn, một kíp mổ cấp tốc được huy động. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, làm sạch tổn thương, mở rộng cân cơ từ 1/3 giữa đùi đến 1/3 dưới cẳng chân. Trong quá trình phẫu thuật, ghi nhận được rất nhiều khí nằm ở giữa lớp mỡ dưới da và vỏ bao ngoài cân cơ, tuy nhiên không có mùi hôi thối. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh được điều trị trong buồng oxi cao áp cá nhân để hạn chế tối đa cổ khuẩn kị khí phát triển.
Phẫu thuật vết loét.
Lo lắng mình sẽ bị cưa chân, ngay sau khi tỉnh lại sau ca mổ, anh Tuấn đã dồn dập hỏi các bác sĩ về số phận cái chân của mình. Bác sĩ trưởng nhóm phẫu thuật cho biết, các bác sĩ đã và đang cố gắng hết sức và sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào dù nhỏ nhất để giữ chân cho anh. Kết quả là sau 8 ngày điều trị, toàn bộ khí từ cổ chân đến hố nách đã được giải phóng hết hoàn toàn, vết thương gối trái không còn dấu hiệu nhiễm trùng. Bệnh nhân đã được khâu lại da, kiểm tra các chức năng gan, thận không có dấu hiệu bị tổn thương và được xuất viện.
Trường hợp của bệnh nhân Tuấn, việc phẫu thuật mở rộng làm sạch vết thương chỉ đóng vai trò cơ bản, quan trọng nhất là quá trình điều trị bằng bồn oxi cao áp giai đoạn cực sớm để hạn chế mức tối đa điều kiện tồn tại và phát triển của vi khuẩn. Cổ khuẩn là vi khuẩn sinh khí có từ thời cổ xưa thời kỳ từ những cây dương xỉ bị vùi lấp qua thời gian vài triệu năm hình thành than đá bây giờ, những vi khuẩn này tùy từng chủng sẽ sinh khí H2, CO, CO2, CH4… chứ không phải loại hoại thư sinh hơi sinh khí H2S mùi hôi thối. Đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, nếu không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ bị tổn hại nặng tới toàn bộ chân trái. Điều đáng nói là đối với những công nhân ở làm việc ở các công trường khai thác mỏ, do đặc thù môi trường làm việc khí bụi, một tổn thương nhỏ trên da cũng có thể khiến người công nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Do vậy, nếu người bệnh chủ quan, không kịp thời đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, rất có thể phải chịu những tổn thương vô cùng lớn.
Hiện nay, tại BVĐK khu vực Cẩm Phả đã ứng dụng bồn oxi cao áp là giải pháp điều trị hiệu quả các mặt bệnh khác nhau đem lại cơ hội phục hồi tốt cho nhiều bệnh nhân. Oxi cao áp có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như phục hồi sau tai biến đột quỵ não, cấp cứu hiệu quả các trường hợp ngạt khí lò, điều trị tốt trường hợp nhiễm trùng sinh khí, điều trị bệnh điếc đột ngột, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn não…
Bài, ảnh: BS. Vũ Trung Đức
((BVĐK KV Cẩm Phả))