Rafael Perez-Escamilla – Giáo sư dịch tễ học và y tế công cộng tại Trường Y tế công cộng Đại học Yale, cho biết: “Hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy cách cha mẹ cho con ăn có ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống của trẻ. Cho ăn theo cảm xúc là những gì cha mẹ làm khi đưa thực phẩm hoặc đồ uống cho con để xoa dịu trẻ, chẳng hạn như khi trẻ cáu giận”.
Tác giả chính của nghiên cứu Silje Steinsbekk và các đồng nghiệp cho biết, phụ thuộc vào đồ ăn vặt, đồ tráng miệng và các loại thực phẩm có đường có thể dẫn đến ăn quá nhiều và các nguy cơ sức khỏe.
Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã xem xét việc cho ăn và thói quen ăn uống của hơn 800 trẻ em ở Na Uy, bắt đầu từ 4 tuổi. Họ đã kiểm tra những trẻ này khi chúng 6, 8 và 10 tuổi. Khoảng 2/3 số trẻ ở mọi lứa tuổi có dấu hiệu ăn uống để xoa dịu cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, trẻ được cha mẹ dỗ bằng đồ ăn ở lứa tuổi 4 và 6 dễ ăn uống theo cảm xúc hơn ở lứa tuổi 8 và 10.
Melissa Cunningham Kay, trợ lý nghiên cứu tại Trường y tế công cộng toàn cầu thuộc Đại học Bắc Carolina, cho biết có những cách tốt hơn để giải quyết sự khó chịu. Thay vì ăn uống, trẻ nên được dạy cách chịu đựng và tìm ra cách để đối phó khi buồn hoặc cáu giận.
GS. Perez-Escamilla cho biết: “Trẻ nhỏ phát triển thói quen ăn uống bằng cách quan sát cha mẹ ăn gì. Nếu trẻ nhìn thấy cha mẹ uống soda, ăn đồ ăn nhanh và món tráng miệng khi bị căng thẳng hoặc buồn, thì đó là những gì các em sẽ làm khi chúng có những cảm xúc tương tự”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development số ra ngày 25/4.
BS P.Liên
(Theo Univadis/ UPI)