Đây là phát hiện mới nhất từ một nghiên cứu khoa học do ông James Iveniuk, trường Y tế Công cộng Dalla Lana trực thuộc Đại học Toronto (Canada) cùng các cộng sự tiến hành. Mặc dù vai trò của bạn bè đối với sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là sức khỏe tinh thần cũng được đánh giá cao nhưng rốt cuộc nó vẫn phải xếp sau yếu tố gia đình.
Để làm rõ vấn đề, nhóm nghiên cứu của ông James Iveniuk đã thu thập và phân tích dữ liệu từ 2 đợt khảo sát của Dự án NSHAP: đợt 1 diễn ra vào năm 2005 – 2006 và đợt 2 diễn ra gần đây hơn năm 2010 – 2011.
Trong đợt đầu tiên, các đối tượng tham gia ở độ tuổi 57 – 85 được yêu cầu viết ra tên của 5 người họ cảm thấy gần gũi, thân thuộc nhất và nêu cụ thể về những mối quan hệ này. Đa số người tham gia đều đã lập gia đình, tình trạng sức khỏe và trạng thái tinh thần của họ tương đối tốt.
Sau khi hoàn tất đánh giá từ kết quả của đợt 2, nhóm nghiên cứu phát hiện: tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo của những đối tượng cho biết họ thân thiết với các thành viên trong gia đình chỉ rơi vào quãng 6%, trong khi tỷ lệ đó ở những đối tượng không có tên người thân trong danh sách 5 người gần gũi nhất lại lên tới 14%. Đáng chú ý là danh sách của người nào càng nhiều tên thành viên trong gia đình thì nguy cơ tử vong của họ càng thấp, bất kể mối quan hệ ấy có sâu sắc hay không.
Những phát hiện trên dù rằng chưa được kiểm chứng trong một khoảng thời gian dài hơn, song chúng vẫn có giá trị thực tiễn rất lớn và một lần nữa khẳng định sức mạnh của nguồn động viên tinh thần, nhất là từ những người thân đối với sức khỏe cũng như tuổi thọ của người cao tuổi..