Khi trẻ bắt đầu bước sang tuổi ăn dặm, nhiều bậc cha mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ sinh con lần đầu rất băn khoăn và lo lắng về chế độ ăn của trẻ. Ăn thế nào để đáp ứng đủ dinh dưỡng cho sự phát triển? Chế biến thế nào cho đúng cách?…
Bé có thể ăn được những thức ăn gì?
Có thể cho trẻ ăn bột ăn liền hoặc bột nấu trong những tháng đầu tiên tập ăn dặm. Cho bé ăn từ lỏng đến đặc dần. Từ tháng thứ 9 bé có thể tập ăn cháo nghiền rồi chuyển sang cháo đặc.
Trẻ có thể ăn 2 bữa bột/ngày khi được 6 tháng tuổi.
Chuẩn bị thức ăn cho bé như thế nào?
– Nếu là bột ăn dặm đóng hộp: Nên pha chế đúng theo hướng dẫn trên bao bì.
– Nếu tự nấu cho bé: Phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất đạm, bột đường, dầu ăn và rau củ tươi các loại. Khi bắt đầu nên cho bé ăn thức ăn nhuyễn hoàn toàn, khi bé đã ăn thuần thục thức ăn nhuyễn, hãy chuyển sang cho trẻ ăn thức ăn nghiền hay băm nhỏ để tập cho bé nhai.
Ăn bao nhiêu là đủ?
Ở giai đoạn từ 6 – 12 tháng tuổi, lượng sữa bé cần mỗi ngày từ 750 – 1.000ml. Lúc này, bạn đã có thể cho bé tập ăn dặm. Chậm chậm từng chút một, bạn sẽ tăng dần lượng bột và giảm dần lượng sữa.
6 tháng tuổi, ngoài bú mẹ, bé đã có thể ăn hai bữa bột một ngày. Bột của bé cần có bột gạo, thêm một ít đạm động vật (ví dụ: thịt nghiền, gan xay, cá xay, ruốc thịt…) và rau củ (rau xanh xay nát, đậu phụ, khoai tây…) Để luyện khả năng nhai và tạo điều kiện cho răng phát triển, mẹ có thể cho bé ăn dặm thêm bánh quy, táo, lê…
Trẻ được 8 – 9 tháng tuổi, hàng ngày có thể ăn hai đến ba bữa cháo và một đến hai bữa ăn phụ. Món ăn phụ có thể là sữa chua, hoa quả xay… Thức ăn phải được thái nhỏ, nấu nhừ, có đủ thành phần tinh bột, đạm, rau xanh. Nên cho vào cháo của bé một thìa nhỏ dầu ăn và vài giọt nước mắm loại ngon.
Trong rau xanh có chứa một số vitamin tan trong dầu, vì vậy, cho dầu ăn vào bát cháo của bé, sẽ giúp bé hấp thụ được nhiều vitamin hơn. Nếu không có nước mắm, bạn có thể thay thế bằng muối i-ốt. Nhưng đừng lấy khẩu vị của người lớn để nêm nếm thức ăn cho bé. Bé chỉ cần ăn rất nhạt, hơn nữa, khi lượng muối đưa vào nhiều, thận của trẻ sẽ phải hoạt động quá tải, nếu kéo dài, thận có thể bị suy và gây phù.
Sau khi trẻ được 10 tháng tuổi, có thể chuyển sang cho trẻ ăn cháo đặc mỗi ngày 2 – 3 bữa.
Thức ăn nào an toàn cho bé?
– Thịt: lựa chọn các loại thịt ít mỡ hay bỏ bớt mỡ. Từ tháng 6 – 8 nên cho bé ăn thịt gà, cá. Sau 8 tháng bé ăn được tất cả các loại thịt, khoảng 1 muỗng canh mỗi bữa.
– Bột đường: Là các loại bột gạo, bột ngũ cốc.
– Rau củ: Cho bé ăn tất cả các loại rau, khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm nên tránh các loại rau củ có thể làm bé bị đầy bụng khó tiêu như các loại rau giàu nitrate (như rau diếp, củ cải đường, bắp cải, cần tây…), tháng thứ 9 – 10 bé có thể ăn các loại rau này nhưng hạn chế ăn chỉ ăn 1 – 2 lần/tuần.
– Dầu mỡ: Nên cho bé ăn các loại dầu thực vật, hạn chế ăn mỡ động vật.
– Trái cây: Bé có thể ăn tất cả các loại trái cây, nên bắt đầu bằng nước ép trái cây tươi pha loãng, rồi đến nước ép trái cây tươi nguyên chất, nước ép cả bã và bé có thể ăn trái cây cắt miếng nhỏ.
Cách cho trẻ ăn bổ sung
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, cần tuân theo nguyên tắc: cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ tinh đến thô, từ một loại đến nhiều loại. Chủng loại thức ăn trong một bữa ăn được tăng lên khi sức khỏe cùng với bộ máy tiêu hóa của bé bình thường.
Cho trẻ ăn nhiều bữa trong 1 ngày. Nghiêm chỉnh thực hiện đúng thời gian biểu cho ăn. Ban đầu cho ăn bổ sung có thể cho trẻ ăn nhiều bữa: 6 bữa, mỗi bữa cách nhau hơn 2 giờ. Trong 6 bữa này có thể 3 bữa sữa và 3 bữa cho ăn bột loãng. Sau đó rút dần còn 5 bữa, có thể với 2 bữa bú, 3 bữa bột sền sệt, tiến tới chỉ ăn 2 bữa bột đặc một ngày. Ăn bột xong có thể cho trẻ bú thêm nếu trẻ vẫn thèm bú.
Đối với trẻ nuôi bộ, chớ nên bắt ép trẻ ăn hết suất ăn theo quy định, mà nên gia giảm theo sức ăn của bé. Nếu cho trẻ ăn thêm hoa quả thì chỉ cần ăn vừa phải, ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Cần “tô màu” bát bột
Cùng với bột ngũ cốc, phải cho trẻ ăn thêm rau xanh và đạm động vật. Các loại quả (chuối, na, đu đủ, hồng xiêm,..) đều có thể cho trẻ ăn trực tiếp cũng rất tốt. Tuy trong hoa quả cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ, nhưng cũng không nên cho trẻ ăn hoa quả thay rau hay chỉ ăn rau mà không ăn hoa quả. Bởi trong rau có những dưỡng chất mà hoa quả có ít hoặc không có. Ví dụ như sắt, kẽm có nhiều trong rau hơn là trong hoa quả, còn chất đường lại có trong hoa quả nhiều hơn trong rau.
Bác sĩ Bạch Mai