Có một điều thú vị cha mẹ nên biết, tuổi lên 2 chính là “tuổi nói không” ở trẻ và nếu biết cách sẽ không những khắc phục được sự ương bướng ở con mà còn là cơ hội rất tốt để giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách.
Không ít các ông bố và bà mẹ than phiền rằng con mình mới 2 tuổi sao ương bướng, cứng đầu thế, bất cứ bố mẹ đưa ra yêu cầu gì ngay lập tức phản đối bằng vốn từ ít ỏi của mình. Có một điều thú vị cha mẹ nên biết, tuổi lên 2 chính là “tuổi nói không” ở trẻ và nếu biết cách sẽ không những khắc phục được sự ương bướng ở con mà còn là cơ hội rất tốt để giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách.
1. Trẻ phủ định để khẳng định mình
Trẻ 2 tuổi phát hiện ra khả năng nói “không” của mình. Trong suốt mấy tháng liền trẻ sẽ liên tục sử dụng ngay lập tức từ “không” trong mọi tình huống.
Trước tiên là để khẳng định sở thích trái ngược với ý muốn của bố mẹ. Những từ “không” đầu tiên phát ra từ miệng trẻ có thể làm bố mẹ ngạc nhiên và hụt hẫng bởi họ đã quen tự lựa chọn và quyết định giúp trẻ.
2. Cần những giới hạn
Nói không là cách để trẻ khẳng định quyền của mình và mong muốn sự lắng nghe từ người lớn. Vì vậy cha mẹ luôn phải đặt ra những giới hạn và bắt trẻ phải tôn trọng những luật lệ ấy.
Cha mẹ cũng phải lắng nghe và tôn trọng quyền phủ quyết của trẻ. Nếu những đòi hỏi của trẻ quá đáng sẽ lựa lời giải thích cho bé hiểu vì sao con không được làm thế bởi với trẻ 2 tuổi, nếu mong muốn của mình không được lắng nghe và đáp ứng chúng sẽ chuyển sang một cách khác như giận dỗi và khóc lóc.
3. Đập tan rào cản
Cha mẹ phải luôn tìm cách để hiểu trẻ và có nhiều cách để khắc phục sự phản đối của trẻ. Ví dụ trẻ không muốn mặc áo khoác, bố mẹ nên nghĩ ra trò chơi đi tìm bàn tay nhỏ chẳng hạn để con cho tay vào tay áo và nói rằng bố mẹ đang tìm những ngón tay nhỏ xíu, chúng đâu rồi. Như thế sẽ làm trẻ quên đi sự phản đối lúc đầu của mình.
4. Cha mẹ hạn chế nói không
Cha mẹ nên hạn chế việc nói không với trẻ. Nên để cho con có quyền tự quyết trong một số việc nhỏ như chọn màu sắc quần áo. Lúc đó, trẻ sẽ rất tự hào khi được cha mẹ hỏi ý kiến và khen giỏi giang, thông minh hay có khiếu thẩm mỹ.
5. Thông qua nguyên tắc 5 phút, 3 phút, 1 phút
Đây là nguyên tắc cực kỳ hiệu quả trong việc bắt trẻ tuân theo đúng lịch trình của bố mẹ. Nếu trẻ không chịu ra khỏi nhà khi mình đang có việc phải đi gấp.
Hãy lấy 5 ngón tay cho trẻ biết đây là 5 phút rồi khoảng 2 phút sau giơ 3 ngón tay lên bảo trẻ là chỉ còn 3 phút nữa thôi và cuối cùng là hết giờ rồi, không bàn cãi gì nữa, chúng ta lên đường thôi.
Như vậy trẻ sẽ nhanh chóng đi theo bố mẹ mà không cần phải quát nạt hay cáu gắt.
6. Luôn khen ngợi trẻ
Những lời khen luôn mang lại hiệu quả, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nếu chúng ta chấp nhận yêu cầu của trẻ thì hãy cho bé biết yêu cầu đó của con là đúng và cho con thấy bạn luôn dịu dàng, tâm lý và biết lắng nghe.
Chẳng hạn có thể ra điều kiện “Nếu con ngoan mẹ sẽ thưởng cho con một cây kem thật ngon, mẹ con mình cùng ra quán mua nhé!”. Đó là cách tốt nhất giúp con khẳng định được bản thân mà không đối nghịch lại với bạn.
Theo MaskOnline