Từ những thảo dược bình dị như tam giác mạch, như cải canh…, nếu biết vận dụng vào du lịch sinh thái sẽ sinh “lợi kép” cho những người nông dân địa phương.
Cây tam giác mạch: còn gọi mạch ba góc (Fagopyrum sagitratum Gilib.), họ nghể (Polygonaceae). Ở Việt Nam, tam giác mạch mọc phổ biến ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… Tam giác mạch chứa hợp chất rutinosid, nhiều nhất trong lá, còn có trong hoa và thân cây. Ngoài ra, còn có các chất quercetin, hyperin, tanin… Tam giác mạch giàu rutin tác dụng làm giảm tính thấm của mạch máu, làm bền mao mạch, hạ huyết áp, phòng các tai biến về mạch máu. Ngoài ra, chất quercetin, các acid protocatechic, protoanthocyanin trong tam giác mạch còn có tác dụng chống oxy hóa rất tốt.
Hạt cải canh (bạch giới tử) trị các chứng ho đờm kéo dài, ho nhiều đờm mà loãng, hen suyễn, đặc biệt ho, hen của người cao tuổi.
Theo y học cổ truyền, tam giác mạch có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng khai vị, khoan tràng, hạ khí, tiêu tích.
Lá non tam giác mạch làm rau ăn sống hoặc nấu canh rất ngon và còn giúp cải thiện thị lực, thính lực. Hạt tam giác mạch xay lấy bột làm bánh hoặc nấu rượu, chăn nuôi gia súc.
Lá, thân và hoa tam giác mạch chứa rutin, dùng trị xơ vữa mạch máu, xuất huyết, tăng huyết áp: lá 8-10g, hoa tam giác mạch 12g, hãm hoặc sắc uống nhiều lần trong ngày.
Chữa viêm ruột, lỵ, đường ruột bị tích trệ: nhân hạt tam giác mạch 10-15g, sao vàng, nấu cháo ăn.
Cây cải canh: còn gọi là cải bẹ xanh [Brassica juncea (L.) Czerm. et Cosson], họ cải (Brassicaceae). Cải canh được trồng hầu khắp các vùng trong cả nước, nhiều nhất ở các vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… Không chỉ là cây rau ăn rất quen thuộc, có giá trị làm thuốc, cải canh còn tạo ra cảnh quan cho vùng du lịch sinh thái.
Hạt cải canh chứa tinh dầu, có mùi đặc trưng của họ cải, còn gọi là tinh dầu mù tạt. Đó là chất sulfat acid kali glucose và alyl isothiacyanat. Ngoài ra, còn chứa chất dầu mà thành phần chủ yếu là acid béo sinapic, arachidic, crucic… Khi nghiền hạt cải canh, các thành phần trong chúng sẽ phối hợp tạo ra một mùi thơm đặc trưng, có tác dụng kích thích da, gây sung huyết, do đó làm tan các mụn nhọt, giảm đau cơ, đau dây thần kinh. Hạt cải canh còn được dùng để chế biến mù tạt và ép dầu làm nguyên liệu chế biến hắc phụ tử.
Theo y học cổ truyền, hạt cải canh có vị cay, tính ấm, quy kinh phế. Tác dụng ôn phế, trừ đàm hàn, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông kinh lạc, hành khí, lợi khí. Trị ho do hàn, nhiều đờm, khó thở, sườn ngực trướng tức, xương khớp tê đau. Ngày dùng 3 – 9g bằng cách sắc hoặc thuốc bột. Hạt cải canh trị một số chứng bệnh:
Trị ho đờm: hạt cải canh, quả tía tô đồng lượng 6 – 9g, sắc hoặc nghiền bột uống. Dùng tốt cho người bị ho đờm kéo dài, ho nhiều đờm mà loãng, hen suyễn, đặc biệt ho, hen ở người cao tuổi.
Trị mụn nhọt sưng đau, đau họng: hạt cải canh 9g sao qua, nghiền mịn, thêm chút nước, quấy đều thành dạng hồ nhão, lấy tăm bông chấm thuốc, bôi vào nơi sưng đau. Nếu đau họng thì bôi quanh vùng ngoài yết hầu; với nhọt bọc hoặc viêm hạch lâm ba cũng bôi ở vùng đau, làm nhiều lần trong ngày.
Trị đau đầu: hạt cải canh 8g, vi sao, tán mịn. Gừng tươi 10g, rửa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt. Trộn đều bột hạt cải canh với nước gừng, bôi vào vùng gáy, vùng chẩm, hai thái dương và đỉnh đầu.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh