Cây quao nước giải độc

Quao nước có tên khoa học Dolichandron spathaceall.K.Schum. Bộ phận dùng làm thuốc của cây quao nước là vỏ thân, lá và rễ.

Vỏ thân: Đẽo vỏ của những cây già, cạo sạch vỏ ngoài, cắt thành từng phiến, phơi khô hoặc sao hơi vàng cho thơm. Khi dùng, lấy 100ml dược liệu rửa sạch, cho vào thùng nhôm (không dùng thùng sắt hay thùng tôn). Đổ vào 3 lít nước nấu còn độ 1 lít, lọc lấy nước để riêng. Tiếp tục đun với 2 lít nước nữa cho đến khi được 500ml. Lọc lấy nước, bỏ bã. Trộn chung 2 nước thuốc trên, cho đường vào, cô đặc còn 1 lít. Lọc thật kỹ. Đổ 40ml rượu có hòa 1g acid benjoic vào. Cao quao nước này có tác dụng nhuận gan. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Cây Quao nước.

Quao nước có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác.

Bài 1: Vỏ quao nước 50g, rễ bình bát 10g, rễ muồng trâu 10g, lá hoặc quả dành dành 20g, vỏ cây chân chim 5g, dây bìm bìm biếc 5g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Bài 2: Để chữa viêm gan, xơ gan, lấy vỏ cây quao nước 50g, vỏ cây cách 50g, lá cối xay 50g, lá trâm bầu 50g, rễ cỏ xước 50g, cỏ hàn the hoặc cỏ tranh 20g, quả dứa gai 20g, thân ráy gai 20g. Thái nhỏ, sắc nước uống. Dùng 1 – 2 tháng.

Ngoài ra, vỏ quao nước còn phối hợp với cây ô rô (ở miền Nam gọi là ô rô nước) nấu thành cao lỏng để dùng uống có tác dụng giải độc.

Bài 3: Lá quao nước 40g phối hợp với lạc tiên 20g, bọ mắm 20g, huyết dụ 10g, cỏ chân vịt 5g, mía lau (loại mía nhỏ) 50g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô sắc uống làm 2 lần trong ngày. Thuốc có tác dụng bổ phổi, trừ ho.

Bài 4: Rễ quao nước 30g, rễ rau ngót (sao tẩm mật) 30g, rễ thài lài trắng 20g, hà thủ ô đỏ (chế với nước đậu đen) 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống, chữa sỏi thận.

TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích

Rate this post