Phương pháp này có thể còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như cấy chỉ, vùi chỉ, nhu châm… đã thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới đây có thể được coi là một bước tiến trong châm cứu.
Châm cứu là dùng kim châm cứu kích thích vào huyệt trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc một số phương pháp tân châm như tiêm thuốc vào huyệt, kích thích điện, kích thích bằng từ, bằng laser… Khác với các hình thức trên, sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt vị có tác dụng tồn lưu lâu dài trên huyệt trong một khoảng thời gian dài ít nhất 15-20 ngày nhờ đó nâng cao được hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị…
Cấy chỉ vào huyệt đạo có tác dụng điều trị béo phì, đau nửa đầu, Parkinson…
Cấy chỉ trong y học cổ truyền
Trong y học hiện đại, chỉ khâu phẫu thuật tự tiêu đã kích thích cơ thể thay đổi đáp ứng miễn dịch, tăng sinh các chất nội sinh có tác dụng giảm đau chống viêm như beta endorphin, adenosin…; kích thích cân bằng nội tiết, điều hòa thần kinh thực vật, cân bằng trương lực cơ, cân bằng huyết áp, điều chỉnh cơ chế chuyển hóa, an thần…
Trong y học cổ truyền, dưới sự tác động vào huyệt vị, châm cứu nói chung (từ châm, laser châm, thủy châm, điện châm…) và cấy chỉ nói riêng (chỉ khâu phẫu thuật) có tác dụng bổ chính khu tà, cân bằng âm dương khí huyết, hành khí hoạt huyết, khử ứ trệ, khu phong trừ thấp, thanh tiết nhiệt tà… Dưới tác động của châm cứu, cơ thể tiết ra một hoạt chất nội sinh endorphine có tác dụng giảm đau. Đây là một lý do chứng minh được hiệu quả của châm tê giảm đau, của việc châm cứu trong điều trị bệnh. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, khi châm cứu điều trị thoái hóa khớp gối, một hoạt chất sinh học có tác dụng giảm đau chống viêm được sinh ra và có nồng độ cao xung quang khu vực được châm cứu… Nhiều nghiên cứu khác của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, cấy chỉ vào huyệt đạo có tác dụng điều trị béo phì, rối loạn mãn kinh, đau nửa đầu, động kinh, Parkinson…
Trong lịch sử y học, đã có nhiều kỹ thuật cấy chỉ vào huyệt vị khác nhau như rạch da trên huyệt sau đó là đưa một đoạn chỉ vào huyệt rồi khâu lại. Sau đó là dùng kim khâu da khâu chỉ vắt qua huyệt vị; tiếp theo là dùng troca (kim chọc dò). Hiện nay, kim chuyên dụng cũng được áp dụng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế. Tùy tình hình bệnh lý, thầy thuốc có thể sử dụng chỉ khâu tự tiêu hoặc chậm tiêu, không tiêu trong điều trị.
Cấy chỉ vào huyệt vị có thể điều trị đồng thời nhiều bệnh lý
Có thể áp dụng cấy chỉ để điều trị nhiều bệnh lý trong một lần điều trị. Ở người cao tuổi, người bệnh có thể cùng lúc mắc nhiều căn bệnh khác nhau như đau lưng, đau vai gáy do thoái hóa – thoát vị đĩa đệm trên bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu cao, mãn kinh, thiếu máu não, đau thắt ngực… Do vậy, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như không phải đi lại nhiều lần, không phải nằm viện do chỉ điều trị ngoại trú… Liệu trình điều trị thông thường khoảng 3- 5 lần cấy chỉ, mỗi lần cách nhau 15- 20 ngày. Liệu trình cụ thể cũng tùy theo tình hình bệnh lý và hiệu quả đáp ứng của mỗi người bệnh.
Để mang lại hiệu quả cao trong điều trị, trước khi điều trị bằng cấy chỉ, người bệnh cần chú ý: Không ăn quá no, không uống rượu, không uống nước ngọt, cà phê…, không quá đói và không lao động thể lực quá sức, không quá mệt mỏi. Nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ trước khi điều trị và cần tắm rửa trước khi đến điều trị. Để tiện cho việc điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi. Sau khi cấy chỉ, người bệnh cần ngồi nghỉ tại phòng khám 10-15 phút và không lao động thể lực quá sức. 4-6 giờ sau khi điều trị, có thể tắm rửa. Không nên ăn các loại thức ăn tanh như tôm, cua, cá, mực và đồ ăn nếp (xôi nếp, bánh chưng…).
ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn