Bệnh nhân Nguyễn Hồng Tươi (49 tuổi, quê Cần Thơ) cho biết, gần đây bà thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Khi bà ho ra máu nhiều dẫn đến khó thở và ngất xỉu, người nhà mới đưa đến bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cấp cứu. Tại đây, kết quả chụp phim bước đầu cho thấy lá phổi bên phải của bệnh nhân có một khối u lớn.
Ê kip phẫu thuật của Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM đã áp dụng phương pháp mới là cắt phân thùy phổi điển hình để điều trị u nấm phổi cho bệnh nhân. Ảnh: TN. |
Qua hình ảnh chụp cắt lớp điện toán phổi và các xét nghiệm chi tiết, ê kip bác sĩ hội chẩn khẳng định bệnh nhân bị một khối u nấm kích thước lớn nằm ở thùy dưới phổi bên phải. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, do đó cần được phẫu thuật sớm nhằm cắt bỏ toàn bộ phần phổi chứa khối u, tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí tử vong.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh u nấm phổi là do sự phát triển của vi nấm trong một khoang trống ở phổi. Khoang trống này thường hình thành do bệnh lao phổi mà người bệnh đã mắc trước đây hoặc một số bệnh lý phổi khác. Khi vi nấm phát triển sẽ tiết ra men ăn mòn các cấu trúc mạch máu xung quanh, dẫn đến chảy máu trong phổi, ho ra máu.
Kết quả chụp phim cho thấy phổi của bệnh nhân có một khối u lớn. Ảnh: TN. |
Thạc sĩ Lê Thanh Phong, chuyên khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM giải thích: Cơ thể con người bao gồm 2 lá phổi, mỗi lá có nhiều thùy, mỗi thùy chia ra làm những đơn vị nhỏ hơn là phân thùy. Mỗi phân thùy có các ống thở và cấu trúc mạch máu riêng để thực hiện chức năng trao đổi khí. Khi phổi bị bệnh, tùy từng trường hợp, thầy thuốc có thể cắt toàn bộ một bên phổi, một thùy hoặc phân thùy. Trong đó phẫu thuật cắt phân thùy điển hình là khó nhất về mặt kỹ thuật.
Riêng những trường hợp u nấm phổi với khối u to hoặc nằm sâu trong thùy phổi, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt toàn bộ thùy chứa khối u. Nếu khối u nhỏ và nằm ở phần rìa lá phổi sẽ cắt một phần chứa u. Với khối u lớn nằm sâu giữa lá phổi như trường hợp bệnh nhân Hồng Tươi, biện pháp thường áp dụng là cắt cả một thùy chứa u.
Tuy nhiên vì bà Tươi là lao động chính trong gia đình, cần chức năng hô hấp đủ cho các hoạt động gắng sức nên ê kip phẫu thuật đã nhất trí áp dụng phương pháp điều trị mới là cắt phân thùy phổi điển hình. Đây là phẫu thuật khá khó nhưng có nhiều ưu việt, cho phép lấy đi toàn bộ mô phổi bệnh mà vẫn bảo tồn tối đa phần phổi lành kế bên khối u. Các xét nghiệm kiểm tra sau phẫu thuật cho thấy khối u của bệnh nhân đã được loại bỏ hoàn toàn, sức khỏe tiến triển tốt, không còn khó thở và ho ra máu.
Theo bác sĩ Phong, phẫu thuật cắt phân thùy điển hình được chỉ định phù hợp với các bệnh u nấm phổi, u lao phổi, các u phổi lành tính, ung thư phổi do di căn, ung thư phổi ở những bệnh nhân có chức năng hô hấp kém. Phương pháp này tuân theo cấu trúc giải phẫu tách biệt của phân thùy phổi.
“Thay vì phải cắt 50% lá phổi bên phải của bệnh nhân như thông thường, phương pháp phẫu thuật mới này chỉ lấy đi khoảng 10% mô phổi bệnh, tiết kiệm đến 40% phổi lành còn lại. Nhờ đó giúp đảm bảo chức năng hô hấp đủ cho cho người bệnh trong các hoạt động gắng sức về sau, đồng thời hạn chế những tai biến sau mổ do thiếu dưỡng khí“, vị bác sĩ nói.
Thạc sĩ Trần Minh Bảo Luân, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực – Tim mạch, ĐH Y Dược TP HCM khuyên những người có triệu chứng bất thường về đường hô hấp như ho máu, khạc đàm, đau ngực hoặc có tiền sử lao phổi nên đi khám và chụp X-quang phổi định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
“Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh u nấm phổi giúp phòng tránh biến chứng ho ra máu đột ngột có nguy cơ gây tử vong. Áp dụng phương pháp cắt phân thùy điển hình giúp cho một phẫu thuật nặng nề như mổ phổi trở nên nhẹ nhàng hơn. Kỹ thuật này có thể thực hiện bằng mổ hở hay nội soi lồng ngực”.
Thi Ngoan