Cắt cụt chi do biến chứng đái tháo đường: Nguy cơ có thể phòng tránh?

Đáng sợ nhất, biến chứng loét bàn chân của người bệnh ĐTĐ trở thành nguyên nhân hàng đầu của tình trạng nhập viện và cắt cụt chi. Nếu không phát hiện sớm và xử trí đúng, người bệnh không những bị tàn phế mà còn có nguy cơ tử vong.

Một biến chứng rất thường gặp

Năm 2011,số người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn cầu ước tính lên đến 366 triệu người. Các nghiên cứu cũng cho thấy có đến 25% số bệnh nhân ĐTĐ bị loét chân ở một thời điểm nào đó trong đời. Kết quả nghiên cứu còn đưa ra cảnh báo: bệnh ĐTĐ làm tăng nguy cơ đoạn chi gấp 25 lần ở độ tuổi từ 65 – 74.

Cắt cụt chi do biến chứng đái tháo đường

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết: chi phí điều trị loét bàn chân ĐTĐ vượt hẳnchi phí điều trị các loại ung thư phổ biến. Như ở Mỹ, chi phí điều trị cho bệnh ĐTĐ là 176 tỉ đô/năm, trong đó chăm sóc bàn chân ĐTĐ chiếm tỉ lệ khoảng 1/3.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi, nhiều năm bị bệnh ĐTĐ, kiểm soát đường huyết không tốt. Rồi đến thời điểm xuất hiện vết loét nhỏ ở ngón chân hoặc bàn chân, không lành.

Vì sao người bệnh ĐTĐ dễ bị cắt cụt chân?

Thông thường, một vết thương phần mềm có thể lành trong 1 tuần. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh ĐTĐ vết thương ở bàn chân chậm lành, có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Vết thương không lành sẽ dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lan rộng dẫn đến cắt cụt chân hoặc nặng hơn là nhiễm trùng toàn thân gây nguy hiểm tính mạng.

Người mắc bệnh ĐTĐ lâu ngày thường có biến chứng bệnh thần kinh ngoại biên, cũng như bệnh xơ vữa động mạch. Các yếu tố này là nguyên nhân chính làm cho bàn chân ĐTĐ dễ bị loét và khó lành.

Ảnh hưởng của bệnh thần kinh ngoại biên lên ĐTĐ

Cảm giác đau giúp chúng ta tránh bị tổn thương. Ví dụ, khi chạm phải vật nóng, phản xạ tự động rút chân lại sẽ giúp cho chúng ta tránh bị bỏng nặng hơn. Ở người ĐTĐ, bệnh thần kinh cảm giác làm bệnh nhân không còn cảm thấy đau khi tiếp xúc với các vật sắc nhọn, nhiệt độ nóng hay lạnh, áp lực cũng như những sang chấn mạnh. Khi mang giày dép có kích thước không phù hợp cũng không nhận biết những vị trí cọ xát gây đau. Những điều này dễ dẫn đến các vết trầy xước, rộp da, bỏng, vết thương và loét.

Bên cạnh đó, bệnh thần kinh vận động làm cho các cơ bị yếu đi, cùng với những chấn thương bàn chân lặp đi lặp lại gây biến dạng xương khớp, bàn chân có thể trở nên dẹt, không còn cấu trúc dạng vòm thông thường, hoặc có nơi lõm vào, nhô ra bất thường. Khi đó, lực phân bố ở bàn chân sẽ không đều mà tập trung ở một số vùng, điểm; các vùng, điểm này phải chịu lực cho sức nặng toàn thân, hoặc cọ xát với giày dép nên tạo thành vết chai, hay vết trầy xước, rồi loét.

Ngoài ra, bệnh của thần kinh tự chủ trên bệnh ĐTĐ còn làm cho da không tiết mồ hôi, khô và dễ tổn thương.

Ảnh hưởng của bệnh xơ vữa mạch liên quan đến loét chân

Bệnh nhân ĐTĐ rất hay bị biến chứng xơ vữa mạch. Chứng xơ vữa mạch làm cho các động mạch ở cẳng chân bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn. Các động mạch có chức năng dẫn máu nuôi dưỡng chân và bàn chân, nên khi tắc nghẽn, lượng máu nuôi dưỡng bàn chân bị giảm, đến một mức nào đó sẽ gây loét, hoại tử. Một vết loét mà không có máu nuôi thì sẽ không thể nào lành được. Nghiên cứu lớn ở châu Âu cho thấy, trong 100 bệnh nhân ĐTĐ bị loét bàn chân, có đến 50 người có chứng tắc hẹp động mạch chi nặng, cần phải can thiệp tái thông để giúp lành vết loét.

“Hành trình” làm lành vết loét bàn chân ĐTĐ

Nếu được xử trí đúng: cắt lọc vết loét, giải áp, điều trị nhiễm trùng, chăm sóc vết thương, điều chỉnh đường huyết tốt và tái thông mạch máu khi có tắc mạch, vết loét sẽ lành trong đa số các trường hợp, bệnh nhân sẽ tránh được nguy cơ cắt cụt chi. Theo số liệu của châu Âu, khoảng 77% loét bàn chân ĐTĐ sẽ lành trong vòng 1 năm. Những nguy cơ làm chậm lành vết loét là có các bệnh lý nặng kèm theo như suy tim sung huyết, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh suy thận giai đoạn cuối và những bệnh nhân không thể tự đi lại được.

Loét bàn chân ĐTĐ tái phát

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù vết loét đã được trị lành, khả năng loét tái phát vẫn cao hơn chúng ta nghĩ. Theo các công bố, tỉ lệ loét tái phát lên đến 40% trong vòng 1 năm sau khi đã lành hẳn, 60% trong 3 năm và khoảng 65% trong vòng 5 năm.

Nguyên nhân của tình trạng loét tái phát cao có thể xuất phát từ sinh học và hành vi của người bệnh. Bởi trên thực tế, về sinh học, nhiều yếu tố nguy cơ quan trọng của loét bàn chân như bệnh thần kinh ngoại biên, sự biến dạng bàn chân, sự tăng áp lực khu trú, vẫn không thể xử trí triệt để. Dù cấu trúc bàn chân và lượng máu nuôi bàn chân có thể được cải thiện sau phẫu thuật, bệnh thần kinh ngoại biên vẫn tồn tại như một yếu tố tiêu cực dẫn đến những chấn thương lặp đi lặp lại, nguồn gốc của tình trạng viêm và loét. Song song đó, ảnh hưởng từ hành vi của người bệnh như sau khi lành vết loét, đa phần người bệnh nghĩ rằng họ không còn vấn đề về bàn chân nữa nên không tái khám theo định kỳ. Điều này cũng góp phần làm cho loét chân quay lại.

Như vậy, chăm sóc bàn chân ĐTĐ không chỉ chữa lành vết loét mà dự phòng loét tái phát cũng không kém phần quan trọng.

Chiến lược dự phòng loét tái phát

Ngoài ra, người bệnh có thể thường xuyên tự theo dõi nhiệt độ của da bàn chân và nhờ bác sĩ tư vấn ngay khi có dấu hiệu viêm xuất hiện. Trước khi loét bàn chân xuất hiện, tình trạng viêm có thể được nhận biết với máy đo nhiệt độ hồng ngoại. Khi có tình trạng viêm, nhiệt độ da ở vùng đó sẽ tăng. Khi đó, bệnh nhân được khuyên giới hạn các hoạt động và theo dõi sát tình trạng bàn chân, việc này cũng giống như việc bệnh nhân chỉnh liều insulin sau khi thử đường máu.

Song song đó, người bệnh cũng cần khám chuyên khoa mạch máu định kỳ để phát hiện và xử trí tình trạng thiếu máu chi do tắc nghẽn động mạch cũng như phẫu thuật chỉnh hình sửa chữa sự biến dạng của bàn chân.

Người bệnh ĐTĐ cũng nên tham gia những buổi huấn luyện cách chăm sóc bàn chân ĐTĐ và tuân thủ các khuyến cáo điều trị. Cần biết rằng, việc nhận biết sớm những tổn thương mới trên những bệnh nhân có tiền sử loét chân là điều rất quan trọng. Hay các vết chai, đặc biệt khi có chảy máu, là những tổn thương cần quan tâm đặc biệt. Sự cọ xát lặp đi lặp lại hoặc tăng áp lực khu trú ở bàn chân có thể dẫn đến loét nếu không được xử trí.

Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ, những yếu tố dẫn đến vết chai có thể được nhận biết và điều chỉnh. Ở những nước tiến bộ, sự tăng áp lực có thể nhận biết bởi những bộ phận cảm biến với áp lực đặt trong giày. Những phương pháp đo lường như vậy cũng có thể sử dụng để cải tiến chất lượng các phương tiện bảo vệ chân, làm giảm nguy cơ phát triển các vết chai và loét tái phát.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Cắt cụt chi do biến chứng đái tháo đường
Để phòng loét tái phát, người bệnh cần phải được kiểm soát đường huyết tốt, chăm sóc bàn chân định kỳ bởi các chuyên gia và mang giày dép hay những phương tiện bảo vệ bàn chân phù hợp.

 

BS. LÊ THANH PHONG

Rate this post