(Võ Thành Tú – Bình Phước)
Hẹp động mạch thận là nguyên nhân hay gặp của cao huyết áp do thận. Ước tính hẹp động mạch thận chiếm 1 – 10% của 50 triệu ca cao huyết áp ở Hoa Kỳ. Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng bệnh cũng hay gặp ở chuyên khoa tim mạch.
Hẹp động mạch thận hay gặp ở người trên 50 tuổi, người ta ước tính khoảng 18% hẹp động mạch thận nhiều (trên 50% đường kính) ở người 65 – 75 tuổi và 42% ở người trên 75 tuổi vì xơ vữa động mạch hay xảy ra ở nhóm tuổi này. Ở người trẻ tuổi thì hẹp động mạch thận là do sự dày lên của thành động mạch, thường gặp ở phụ nữ. Hẹp động mạch thận chiếm 1% các trường hợp cao huyết áp nhẹ đến vừa. Ở nhóm cao huyết áp nặng hoặc không đáp ứng điều trị thì hẹp động mạch thận chiếm đến 10%. Đối với bệnh hẹp động mạch thận thì cao huyết áp đáp ứng kém với điều trị là dấu hiệu chính. Bên cạnh cao huyết áp đáp ứng kém với điều trị thì cao áp nặng xảy ra trước tuổi 30 hoặc sau 50 tuổi đều có thể là dấu hiệu của hẹp động mạch thận. Khi khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện một thận có kích thước nhỏ hơn thận kia.
Trong thực tế lâm sàng, trước khi chẩn đoán hẹp động mạch thận, người ta phải loại trừ các bệnh khác: suy thận cấp, xơ vữa động mạch, tiểu đạm, viêm cầu thận mãn, tăng huyết áp ác tính, xơ hóa cầu thận, tăng ure máu… Hiện nay chẩn đoán hẹp động mạch thận phải đựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm chức năng. Về hình ảnh học bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ nhân mạch máu (MRI), chụp cắt lớp mạch máu (CT-Scan) và siêu âm doppler mạch máu. Xét nghiệm chức năng gồm thử nghiệm hoạt tính renin huyết tương (hoạt tính mạnh trong trường hợp bị hẹp động mạch thận) và làm renogram.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ