Viêm da do tiếp xúc cây trồng, ánh sáng là một viêm da nhiễm độc ánh sáng do người bệnh tiếp xúc với những thực vật (cây cỏ) nhạy cảm ánh sáng kết hợp tia cực tím có bước sóng dài (UVA 320-380 m). Nguyên nhân là do trong các loài cây cỏ này có chứa chất tăng nhạy cảm ánh sáng (thúc đẩy cơ thể hấp thụ tia cực tím trong ánh sáng mặt trời) mà phát bệnh. Các chất làm tăng nhạy cảm ánh sáng chính được tìm thấy trong các loài thực vật là furocoumarins bao gồm psoralens và 5-methoxypsoralens (5 MOP), 8-methoxypsoralens (8 MOP), angelicin, bergaptol và xanthotal.
Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc trực tiếp với cây trồng (chạm vào, ngắt bẻ cây…). Triệu chứng của bệnh thường bắt đầu 24 giờ sau khi phơi nhiễm và cao điểm trong khoảng 48 -72 giờ. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và bao gồm: những vùng da phồng rộp, đỏ, viêm da, ngứa, cảm giác bỏng rát, tăng cảm giác đau, những mảng da bị vảy da (sau khi mụn nước vỡ)
Vị trí tổn thương: Phần lớn xảy ra ở vùng hở (thường là mu tay, cánh tay, mu chân, mặt) hoặc bất kì chỗ nào, nơi tiếp xúc và vùng phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời. Các mảng mụn nước ở mặt thường có hình dạng không đều. Hay gặp trên vùng da đã bị phơi nhiễm với hóa chất. Ví dụ, mụn nước nhỏ có thể là kết quả của việc tiếp xúc với nước trái cây. Các sọc trên da có thể chỉ ra rằng vùng da của họ tiếp xúc cây trồng.
Một số người chỉ gặp phản ứng viêm rất nhẹ sau khi phơi nắng có thể thậm chí không nhận thức được rằng họ đã có phản ứng. Sự tăng sắc tố có thể là đầu mối đầu tiên mà đã phát triển thành bệnh viêm da do tiếp xúc cây trồng và ánh sáng. Người bệnh cần lưu ý: da ướt, mồ hôi và trời nóng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ban đầu, trong khi phơi nắng có thể làm tối màu sắc da.
Khi các triệu chứng ban đầu giảm, thường là sau 7-14 ngày, da có thể có dấu hiệu sẫm màu, được biết đến như là tăng sắc tố. Giai đoạn này gọi là sắc tố sau viêm, có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc vài tháng.
Viêm da xảy ra sau tiếp xúc với thực vật và ánh sáng mặt trời.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm da do tiếp xúc ánh sáng và cây trồng, bất kể giới tính, tuổi tác hay chủng tộc. Tuy nhiên, một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chứng viêm da này, bao gồm:
Tiếp xúc với một số cây trồng và các sản phẩm thực vật. Quả cam quýt và các loại dầu từ trái cây có múi có thể gây ra chứng viêm da do tiếp xúc cây trồng, ánh sáng. Nhiều thực vật và rau có chứa các hợp chất hóa học gây ra sự nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Các hóa chất này được gọi là chất cảm quang. Một ví dụ của một bức xạ là psoralen. Một số loài thực vật phổ biến có chứa psoralen bao gồm: rau mùi, mùi tây, cà rốt, cần tây, sung… Khi tiếp xúc với ánh sáng UVA, psoralen gây ra các phản ứng quang hóa trong da. Những phản ứng này làm hỏng tế bào da dẫn đến các triệu chứng được mô tả ở trên.
Sử dụng nước hoa hoặc dầu có chứa hoá chất thực vật nhất định. Do tác động của ánh sáng mặt trời khi phải làm việc ngoài trời.
Cần lưu ý rằng bệnh viêm da do tiếp xúc ánh sáng và cây trồng thường bị chẩn đoán sai. Có thể bị nhầm lẫn với: viêm da dị ứng, bỏng hóa học, viêm tế bào, nhiễm nấm da, các dạng viêm da tiếp xúc khác, cháy nắng…
Trong một số trường hợp, viêm da do tiếp xúc cây trồng, ánh sáng có thể dẫn đến những biến chứng sau: nhiễm khuẩn và nấm da, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sự tái phát của các triệu chứng khi phơi nhiễm tiếp theo…
Các trường hợp nhẹ của bệnh viêm da do tiếp xúc ánh sáng và cây trồng không phải lúc nào cũng cần sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nặng hoặc kéo dài, thì người bệnh nên đến khám tại các cơ sở khám chuyên khoa da liễu.
Các phương pháp điều trị và phòng ngừa
Hầu hết các trường hợp viêm da do tiếp xúc ánh sáng và cây trồng đều chỉ cần can thiệp tối thiểu. Điều trị nhằm giảm đau và rút ngắn thời gian các triệu chứng. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (tránh xa loại cây gây bệnh và tránh phơi nhiễm ánh sáng). Tránh các chất kích thích da khác (trong khi bị bệnh thì nên hạn chế dùng nước hoa). Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt, đặc biệt là khi tia UV ở mức cao nhất (từ 10-15 giờ hàng ngày), có thể giúp ngăn ngừa sự tăng sắc tố trở nên tối hơn. Nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời. Nên mặc quần áo bằng vải nhiều cotton và tránh sử dụng các chất tẩy rửa, xà phòng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể gây ra các triệu chứng tồi tệ hơn. Bảo vệ da với quần áo phù hợp khi ở ngoài trời và trong khu vực nhiều cây cối. Mang găng tay khi làm vườn, chế biến thực vật…
Áp lạnh: đặt một khăn lạnh vào vùng da bị tiếp xúc.
Có thể sử dụng một số loại thuốc để làm giảm triệu chứng bệnh như: Kem bôi tại chỗ có chứa corticosteroid sẽ làm giảm chứng viêm và ngứa. Bác sĩ có thể kê toa thuốc uống corticosteroid hoặc thuốc kháng histamin cho các triệu chứng nặng. Trường hợp bị đau rát nặng nề có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như acetaminophen và ibuprofen, có thể giúp giảm đau và sưng tấy.
Các trường hợp nặng của bệnh viêm da do tiếp xúc ánh sáng và cây trồng, hoặc những người có vùng tổn thương lên đến hơn 30% da, có thể cần điều trị tại bệnh viện bao gồm điều trị bằng corticosteroid và tiêm truyền tĩnh mạch để thải bớt độc tố và tác nhân gây dị ứng.
BS. Trần Đức