Sau 9 tháng học tập tại trường lớp, được nghỉ hè đứa trẻ nào cũng vui thích. Để trẻ tận hưởng một mùa hè thú vị vui chơi được trọn vẹn, các bậc cha mẹ cần quan tâm tới chúng. Cần phải hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ, luôn luôn để mắt tới trẻ, đề phòng một số tai nạn bất thường có thể xảy ra.
Tai biến trúng nóng
Trúng nóng là một trường hợp thường gặp trong mùa hè. Nguyên nhân do tiết trời quá nóng bức, trẻ mặc quần áo dày, chật và bí, ở trong những căn buồng quá chật hẹp, nóng, không thông thoáng, ngột ngạt hơi người. Hoặc trẻ vui chơi ở ngoài trời nắng nóng nhiệt độ quá cao. Tuy cơ thể vẫn có một số cơ quan có khả năng điều hoà được thân nhiệt, trong đó chủ yếu là một bộ phận được gọi là “Trung tâm điều hoà nhiệt” nằm trên não. Khi cơ thể bị nóng quá mức, trung tâm này sẽ phản ứng lại bằng một số biện pháp để giải toả nhiệt, chủ yếu bằng cách ra mồ hôi. Khi cơ thể xuất được mồ hôi thân nhiệt sẽ giảm xuống. ở người lớn trung tâm điều hoà thân nhiệt đã phát triển, thì sự giải toả nhiệt có tốt hơn, do đó ít bị trúng nóng. Nhưng ở trẻ em trung tâm này chưa phát triển hoàn chỉnh, nên sự giải toả nhiệt chưa tốt, do đó nếu cơ thể trẻ nhiễm nóng quá lâu, rất dễ bị trúng nóng.
Điều kiện gây ra trúng nóng là nhiệt độ không khí cao, ẩm và không có gió. Trẻ thiếu nước uống, khiến cơ thể bị nóng quá làm rối loạn hệ thần kinh trung ương. Hệ thần kinh của trẻ nhỏ rất nhạy cảm với nhiệt, khi nhiễm nóng quá dễ bị rối loạn tuần hoàn não, phù não và có thể chảy máu não. Từ đó làm rối loạn hoạt động của tim mạch và hô hấp, đồng thời kèm theo rối loạn về chuyển hóa (muối, nước), hạ glucose huyết gây ra tình trạng nguy kịch.
Triệu chứng trúng nóng dễ nhận biết. Khởi đầu là những dấu hiệu về hệ thần kinh: Trẻ đột nhiên khóc, vật vã rồi sốt li bì, nhiều trẻ lên cơn giật. Những trẻ đã lớn thì tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Thời kỳ sau, trẻ thường sốt cao, có thể đến 40oC, mặt đỏ bừng, thân mình cũng đỏ (do giãn mạch), vã mồ hôi; hơi thở nhanh và nóng, tim đập nhanh, mạch nhỏ khó bắt, rất khát nước. ở thời kỳ này nếu trẻ được sơ cứu ngay sẽ dễ qua khỏi. Nhưng nếu để trúng nóng chuyển sang thời kỳ nặng với các triệu chứng mất nước, truỵ tim mạch (da tái nhợt, chân tay lạnh, mạch và huyết áp nhiều khi không lấy được, vô niệu…), hôn mê… việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.
Sơ cứu trẻ trúng nóng cần thực hiện sớm, chủ yếu là làm hạ nhiệt (đưa trẻ ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát…) và bù nước, điện giải. Biện pháp dễ thực hiện là dùng nước khoáng, hoặc nước đun sôi để nguội có pha ít muối, đường (1 lít nước pha với ẵ thìa cà phê muối và 2 gạt thìa canh đường), nước hoa quả tươi. Cho trẻ uống bằng cốc và thìa nhiều lần cho tới khi trẻ đỡ khát, tỉnh táo, đi tiểu trở lại là những triệu chứng tốt. Những trường hợp nặng, ngoài việc sơ cứu, đồng thời cần khẩn trương gọi xe cấp cứu đến ngay.
Để phòng tránh trúng nóng, mùa hè cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát bằng vải sợi bông, khi ra ngoài trời phải đội mũ. Không để trẻ ngủ dưới nắng dù có che chắn nắng. Không để cho trẻ đi xe ô tô thời gian dài dưới trời nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 giờ. Đem theo nước, thường xuyên cho trẻ uống nước.
Cần hết sức thận trọng khi cho trẻ đi tắm ở sông, hồ |
Và say nắng
Say nắng còn gọi là “trúng nắng” khi trẻ nô đùa, đá bóng, nhảy dây… ngoài trời nắng. Nguyên nhân của chứng say nắng là do cơ thể đứa trẻ đã bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn cho các cơ quan, nhất là cho hệ thần kinh. Cơ thể mất nhiều nước, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt. Say nắng gần giống như trong nóng, nhưng nặng hơn. Trúng nóng là do trung tâm điều hoà thân nhiệt không thích ứng nổi với môi trường nóng xung quanh; còn say nắng, bản thân trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động, bị kích thích vì tia nắng chiếu thẳng vào đầu, cổ, gáy…
Về triệu chứng, trẻ mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, da khô không có mồ hôi, mặt đỏ gay, nhiệt độ cơ thể lên đến 41oC. Nhịp thở nhanh, mạch yếu khó bắt hoặc không còn. Trường hợp nặng, trẻ hôn mê và lên cơn co giật.
Gặp trường hợp trẻ say nắng cần gọi xe cấp cứu ngay. Nhưng trước tiên cần khẩn trương sơ cứu:
– Đặt trẻ nằm trong một phòng thoáng mát, cởi hết quần áo, để giúp cơ thể có điều kiện giải tỏa bớt nhiệt lượng. Trường hợp say nắng được phát hiện ở ngoài trời, có thể để cho trẻ nằm dưới bóng cây râm mát, giải tán bớt những người hiếu kỳ xung quanh. Dùng quạt quạt mát cho trẻ.
– Dùng khăn bông rấp nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ để tránh tình trạng tụ máu trên não, thường xảy ra khi nhiệt độ lên cao. Dùng một khăn bông khác, cũng rấp nước mát lau khắp mình và chân tay trẻ. Mục đích nhằm làm mát cơ thể, làm thông sạch các lỗ chân lông, giúp cho nhiệt lượng cơ thể dễ thoát ra.
– Cho trẻ uống nước đầy đủ để bù lại lượng nước trong cơ thể đã bị tiêu hao do nhiệt độ cao. Có thể cho trẻ uống nước quả tươi, nước khoáng, hoặc nước đã đun sôi để nguội. Cho uống từ từ ít một để tránh nôn.
Với các biện pháp sơ cứu trên, nhiều trẻ đã qua được cơn nguy kịch trước khi xe cấp cứu tới.
Cảm lạnh
Sự thích nghi của cơ thể trẻ chống lạnh là có giới hạn. Nếu nhiễm lạnh kéo dài, hoặc quá đột ngột cơ thể đứa trẻ không thích nghi được thì có thể xảy ra cảm lạnh. Mùa hè nhưng vẫn cảm lạnh thường gặp trong một số trường hợp sau:
– Để trẻ ngủ ở nơi lộng gió hoặc nằm ngủ trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ quá lạnh, do mát ngủ quên cũng dễ bị cảm lạnh.
Khi cơ thể đứa trẻ bị nhiễm lạnh sức chống đỡ của cơ thể bị suy yếu, các vi sinh vật tiềm tàng ở mũi họng thừa thế tấn công gây viêm nhiễm đường hô hấp trên ho, sốt, chảy nước mũi… thậm chí có thể gây viêm phế quản cấp.
Để phòng bệnh, không nên cho trẻ nằm ngủ ở nơi lộng gió, gió lùa. Nếu dùng quạt máy chỉ để số có tốc độ quay nhỏ, và đắp cho trẻ một khăn mỏng lên bụng. Người mẹ (hoặc bố) cần tỉnh ngủ hơn, khi về khuya trời mát, điện lại mạnh lên, cần tắt quạt máy hoặc không cho quạt về phía đứa trẻ.
– Đang nóng bức ra nhiều mồ hôi tắm mát ngay. Trẻ khoẻ mạnh, đang nô đùa nóng người ra nhiều mồ hồi, nhảy ngay xuống sông suối… tắm mát ngay làm cho cơ thể bị nóng lạnh đột ngột. Hậu quả là cảm sốt cao phải cứu chữa, thậm chí có trường hợp tử vong.
Khi nóng bức nhiệt độ trong cơ thể tăng, ra nhiều mồ hôi và giãn mạch máu ngoài da là sự giải toả nhiệt quan trọng của cơ thể trẻ giữ cho thân nhiệt được hằng định ở 37oC. Lúc này nếu tắm mát ngay, da bị nước lạnh kích thích phản xạ của dây thần kinh làm mạch máu dưới da đột biến co lại, cơ thể không toả nhiều được, thân nhiệt sẽ tăng cao gây cảm sốt. Do vậy, cần hướng dẫn cho trẻ: khi cơ thể đang nóng bức ra nhiều mồ hôi, không nên lội xuống nước tắm ngay. Phải ngồi một lúc ở nơi thoáng mát cho ráo mồ hôi mới tắm.
Đề phòng đuối nước
Tai nạn chết đuối tuy không nhiều nhưng vẫn thường xảy ra, đặc biệt cần lưu ý trong dịp nghỉ hè có nhiều trẻ rủ nhau đi tập bơi, tắm mát ở biển, sông, hồ… Nếu không được sơ cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong. Khi trẻ chìm vào nước bị ngạt nước, ngừng thở hoặc co thắt thanh quản sẽ xảy ra. Hậu quả là giảm oxy máu dẫn đến mất tri giác, trụy tuần hoàn. Ngoài ra khi ngạt nước, do phản xạ gây ra thở hút dồn dập làm hút nước vào thêm dẫn đến phù phổi. Từ giảm oxy máu, mất tri giác, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh trung ương từ phút thứ tư đến phút thứ sáu. Giảm oxy còn dẫn đến toan hóa máu, tăng áp lực nội sọ, phù não, tái phân bố bất thường ở hệ tuần hoàn.
Gặp những trường hợp này phải khẩn trương cấp cứu ngay từ dưới nước. Nắm tóc đứa trẻ bị nạn để đầu nhô lên mặt nước, lôi vào bờ. Ngay khi chân người cứu đã chạm đất, cần đặt miệng mình vào miệng trẻ hà hơi thổi ngạt ngay. Khi đã đưa được trẻ lên bờ, cởi bỏ quần áo ướt, móc họng khai thông miệng ngay. Để trẻ nằm úp sấp, vòng tay qua bụng, nâng lên đặt xuống 10 lần cho nước ộc ra – đó cũng là những động tác hô hấp nhân tạo. Hoặc đặt trẻ nằm sấp, đầu nghiêng một bên , đặt hai bàn tay phía sau lưng, ấn xuống để nước thoát ra, sau đó thả ra để ngực nở ra, rồi lại ấn tiếp đều đặn 30 lần/phút (phương pháp hô hấp Schaffer). Nếu là trẻ nhỏ, cầm hai chân dốc ngược lên, lấy lòng bàn tay đập vào vùng giữa lưng 10 lần. Lấy khăn lau sạch mũi, họng, miệng, rồi tiến hành hà hơi thổi ngạt (miệng qua miệng), kết hợp với xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cần kiên nhẫm làm liên tục cho đến khi trẻ thở lại.
Khi trẻ thở lại, lau khô người trẻ, xoa dầu nóng toàn thân, quấn chăn ấm cho trẻ và chuyển ngay tới bệnh viện, hoặc trạm y tế gần nhất. Trong quá trình di chuyển, cần theo dõi trẻ thật sát, nếu cần vẫn phải tiếp tục hồi sức tim – phổi cho trẻ.
Ngoài ra, cần hướng dẫn trẻ vui chơi an toàn phòng tránh các tai biến. Không đá bóng trên đường phố để tránh bị xe ô tô, xe gắn máy đâm phải gây thương tích nặng, thậm chí chết người. Không tò mò hái ăn thử các quả hoang dại mọc ở hàng rào, trong rừng, ven suối… để tránh tai nạn do ăn phải quả độc. Không thả diều ở gần đường dây tải điện, nhất là điện cao thế để tránh bị điện giật chết người. Không leo trèo cây cao hái quả, bắt tổ chim… để đề phòng ngã gãy chân tay.