Cách xử tri lồng ruột cấp ở trẻ em

Lồng ruột cấp là tình trạng
một đoạn ruột chui vào một đoạn ruột khác, gây nên tắc ruột cấp tính. Trường
hợp phát hiện muộn sẽ rất khó điều trị, thậm chí có thể làm cho trẻ tử vong.
Bệnh thường gặp ở trẻ em, trong đó, trẻ dưới 24 tháng tuổi bụ bẫm chiếm đa số.

Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột        

Trẻ bị đau bụng từng cơn. Khi
đang sinh hoạt bình thường, đột nhiên trẻ đau bụng, khóc thét dữ dội, bỏ ăn, bỏ
bú. Sau cơn đau, trẻ có thể bú lại bình thường nhưng cơn đau sẽ trở lại sau đó.

Tiếp theo là trẻ nôn ói
nhiều, lúc đầu là nôn ra dịch trắng sau đó chuyển qua màu vàng hoặc xanh.

Sau đó, trẻ đi ngoài ra phân
có máu. Dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.

Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm
càng tốt.

Nguyên nhân gây lồng ruột

Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột
ở trẻ nhỏ gồm có nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tự phát. Lồng ruột không
tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gọi là lồng ruột vô căn hay lồng ruột tự phát.
Lồng ruột tự phát chiếm khoảng 75 – 90% số ca lồng ruột. Nhiều người cho rằng
trong lúc vui đùa, người lớn tung hứng trẻ, khiến trẻ bị lồng ruột. Nhưng đây
không phải là nguyên nhân chính.

Một số nghiên cứu khác cho
rằng ở trẻ nhỏ có sự mất cân đối về kích thước giữa hồi tràng và van hồi manh
tràng nên dễ xảy ra lồng ruột hay viêm hạch mạc treo cũng có liên quan đến cơ
chế lồng ruột. Viêm hạch mạc treo lại có liên quan đến nhiễm siêu vi. Do đó,
mùa nhiễm siêu vi đường hô hấp thì lồng ruột lại xảy ra nhiều hơn.

Có nhiều phương pháp điều trị
lồng ruột như tháo lồng bằng bơm hơi đại tràng, tháo lồng bằng thụt Baryt đại
tràng, tháo lồng bằng thụt nước muối sinh lý vào đại tràng, phẫu thuật tháo
lồng bằng tay, phẫu thuật cắt nối ruột, điều trị bằng phẫu thuật nội soi…
Trường hợp bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá muộn, tình trạng bệnh nghiêm
trọng thì phải phẫu thuật. Điều trị trường hợp này rất phức tạp, thời gian điều
trị lâu dài. Có những trường hợp phát hiện quá muộn, bệnh nhi bị nhiễm độc,
nhiễm trùng nên tử vong.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ có
các dấu hiệu của lồng ruột, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm
càng tốt. Tại đây, bác sĩ sẽ khám và cho làm các xét nghiệm, nhất là siêu âm,
chụp X-quang để chẩn đoán chính xác, điều trị cho trẻ kịp thời.

  BS. TRẦN QUỐC NINH

Rate this post