Cách phát hiện u vú lành tính, ác tính

Do sự nổi trội của các ống, thùy, mô đệm giữa ống hoặc giữa tiểu thùy sẽ dẫn đến sự thay đổi mô sợi và hình thành các bọc (nang), khiến vú có các khối nổi cộm. Các khối đó đa phần là lành tính, nhưng không vì thế mà chị em chủ quan và cần có kiến thức để phát hiện u lành tính và ung thư vú.

U sợi tuyến

Thiếu nữ ở tuổi đôi mươi, nắn ngực thấy có vài cục tròn, láng, cỡ hạt lạc, hạt nhãn, hạt mít, đụng tới thì di chuyển chỗ khác, đó là loại u lành sợi tuyến. Nó có thể hơi đau hoặc lớn hơn khi tới chu kỳ kinh nguyệt thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại. Ở độ tuổi sinh đẻ, tuyến sữa rất phát triển khiến chị em cảm giác có cục u, nhất là lúc sắp có kinh, ngực căng lên thấy có nhiều cục lộm cộm. Đây không  phải một bệnh, cũng không phải tổn thương, có người gọi là bướu sợi hay u xơ. Ở thiếu nữ tuổi đôi mươi, có khi một bên vú to lên rất nhanh trong vài tháng, sờ thấy có một cục lớn bằng trái cam. Đó vẫn là u lành, gọi là u sợi tuyến khổng lồ. Chỉ cần mổ lấy trọn u là hết bệnh.

Hình ảnh nang vú.

U diệp thể

Là loại bệnh thường thấy ở tuổi 15-16 đến khoảng 30 tuổi. Trong vú có một khối bằng hạt mít hoặc trứng cút giống như u sợi tuyến, để lâu một hai năm chẳng sao, nhưng rồi bỗng lớn nhanh vùn vụt. Da vú căng mỏng, có nhiều lằn xanh vắt qua vắt lại ở da vú, cả vú to như trái cam sành. Thật ra đây là một loại u lành, được gọi là u diệp thể lành tính. Khi phát hiện thấy khối bất thường, chị em nên đi khám ngay vì có thể phải giải phẫu bệnh mới chắc là u lành tính vì còn có loại u diệp thể ác tính (ung thư).

Nang vú (bọc dịch)

Nang vú thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên, khoảng tuổi 40-50. Các nang hoặc bọc (kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm hoặc to hơn) thường chứa chất dịch lỏng được dân gian gọi là cục hạch, nhưng trong chuyên ngành sản phụ khoa thì gọi là dị sản sợi – nang, bệnh Reclus, dị sản nang. Thực chất nang chỉ là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể thấy được. Cũng có trường hợp nang rất to, có khi bằng trái quýt, chứa dịch. Khi nghi có nang vú, chị em nên đi khám bệnh ngay. Sau khi xác định bệnh rõ ràng, bác sĩ sẽ dùng kim chọc rút dịch trong nang. Khi rút dịch, nang sẽ xẹp đi và hiếm khi tái phát lại.

Áp-xe vú và lao vú

Thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu, khoảng hai, ba tuần lễ sau khi sinh. Triệu chứng nhiễm khuẩn rất rõ: người nóng sốt, vú căng to, da vú đỏ lên rất đau nhức. Không cho con bú cũng có thể bị áp-xe, thường ở vị trí quanh quầng vú. Bệnh lao vú tuy hiếm nhưng cần được chẩn đoán chính xác thì điều trị mới có hiệu quả.

Bọc sữa

Đang thời kỳ cho con bú, nhiều bà mẹ rất băn khoăn khi sờ ngực thấy có một khối tròn, mềm như trái nho hoặc lớn hơn, bóp thấy nhão. Có khi mới thấy vài ngày, có khi chỉ một vài tháng, không thấy đau gì cả và có thể lớn thêm sau những cơn căng sữa. Đó là một bọc sữa: sữa ứ lại do một ống sữa bị tắc. Khi dùng kim (loại khá lớn) chọc vào khối u rút ra được chất sữa hơi sệt như kem. Ban đầu bà mẹ kiên trì nặn sữa cũng xẹp đi. Nhưng thường thì bọc này không xẹp hoàn toàn. Khi có bọc sữa, bà mẹ nên cai sữa, rồi bọc sữa sẽ nhỏ từ từ và sau vài tháng, lúc đó có thể mổ lấy bọc.

Dấu hiệu sớm nhất cảnh báo ung thư vú

Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, chiếm tỷ lệ từ 7-10% trong tổng số các loại ung thư ở nữ. Ung thư vú cũng có yếu tố gia đình, thường gặp ở độ tuổi 40 – 60 tuổi. Những phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mới mãn kinh tỷ lệ phát bệnh cao hơn. Nhận biết ung thư vú cần căn cứ các dấu hiệu như: khối ung thư và hệ thống ống tuyến có thể xâm lấn và kéo đầu vú nên xuất hiện tình trạng lệch đầu vú, đầu vú teo và lõm xuống, hai đầu vú có hiện tượng không cân đối. Vùng da xung quanh đầu núm vú bị co rút, co rút núm vú, nhăn nheo. Có các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú. Núm vú bị tụt hẳn vào trong, cứng, dùng tay kéo ra cũng không được. Đầu vú tiết dịch hoặc máu. Đi kèm đó là chị em bỗng cảm thấy ngực đau tức, khi tới gần ngày kinh nguyệt thì cảm giác đau ngực tăng lên, giống như bị sưng vù lên. Cảm giác đau khiến bạn không dám chạm vào ngực mình nữa. Sờ thử từ bầu ngực vuốt lên trên theo đường hõm nách thì thấy có hạch nổi lên ở nách. Hạch ở nách là giai đoạn đầu tiên phát triển bệnh ung thư vú.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Tự khám vú là phương pháp đơn giản nhất, mà mọi nữ giới đều phải biết để tự kiểm tra cho mình. Bắt đầu khi bước vào tuổi 20, nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh 3-5 ngày, với nhịp độ mỗi tháng một lần. Với các bước đơn giản và dễ thực hiện bằng cách đứng trước gương, tìm những thay đổi ở vú: ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế: hai tay giơ lên khỏi đầu và cuối cùng hai tay chống vào hông. Trong mỗi tư thế xoay qua, xoay lại chậm và quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước, hình thể của hai vú, mặt da vú…Chụm các ngón tay lại dùng phần thẳng ngón tay day tròn tìm khối u hoặc mảng dầy. Bắt đầu sờ phần hõm nách tìm hạch và khối u, sau đó sờ từ bờ ngoài của vú, sờ vòng quanh vú theo những đường vòng tròn nhỏ dần, cuối cùng là vùng sau núm vú nhằm tìm một cục u.

Khi tự khám đều đặn sẽ biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường đâu là bất thường, để đi khám và điều trị bệnh sớm nhất có thể.

 

BS. Hoàng Hà

Rate this post