Các hormon tuyến giáp có nhiều tác dụng khác nhau lên các cơ quan như tim, não, cơ và một số cơ quan khác để đảm bảo hoạt động bình thường của cơ thể. Khi tuyến giáp to ra gọi là bướu cổ, đó có thể do u, viêm hoặc bệnh tự miễn như Basedow. Cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, tuyến giáp cũng có thể bị ung thư.
Ung thư tuyến giáp có phổ biến hay không?
Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Theo Hiệp hội Quốc tế chống ung thư, ung thư tuyến giáp chiếm 0,5 – 1% trong tổng số người bệnh ung thư được điều trị, tỷ lệ 1% khi giải phẫu tử thi đồng loạt. Tỷ lệ ung thư tuyến giáp gia tăng tại các vùng bướu cổ địa phương. Tại Việt Nam, tỷ lệ ung thư giáp chiếm 2% tổng số trường hợp ung thư tại Hà Nội và tần suất khoảng 3 trường hợp/ triệu dân/năm.
Tuyến giáp bình thường và ung thư tuyến giáp.
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp trong giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng hoặc dấu hiệu nào đặc biệt, xét nghiệm hormon tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. U tuyến giáp thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi siêu âm hoặc chụp CT vùng cổ do các bệnh lý khác. Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện u tuyến giáp khi soi gương, đeo dây chuyền hoặc cài khuy cổ áo. Do đó, để phát hiện sớm, cần siêu âm tuyến giáp để đánh giá có u hay không.
Giai đoạn muộn hơn, khi nhân tuyến giáp phát triển đủ lớn có thể gây ra các triệu chứng như: thấy khối ở vùng cổ, đau vùng cổ, chèn ép khí quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, nuốt vướng; ít gặp hơn là chèn ép vào thanh quản gây nói khàn, thay đổi giọng nói.
Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy có các biểu hiện bất thường vùng cổ.
Ung thư tuyến giáp có thể phát hiện bằng cách nào?
Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa khi có các biểu hiện như:
Người bệnh tự sờ thấy hoặc nhìn thấy có khối bất thường tại vùng cổ hoặc cảm giác khó chịu như: nuốt vướng, khó thở, nói khàn.
Người bệnh có tiếp xúc với phóng xạ đặc biệt ở thời niên thiếu hoặc điều trị xạ trị các bệnh lý vùng đầu cổ hoặc có các bệnh lý tuyến giáp lành tính như: bướu cổ đơn thuần, viêm tuyến giáp cấp hoặc mạn.
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở nữ hơn nam giới, lứa tuổi thường gặp là từ 40 – 60 tuổi, vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là siêu âm vùng cổ và tuyến giáp để phát hiện sớm các tổn thương tại tuyến giáp.
Siêu âm tuyến giáp: là xét nghiệm đơn giản, không gây tai biến có thể phát hiện sớm các tổn thương của tuyến giáp đặc biệt ung thư tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp thường bắt đầu với sự xuất hiện của các “ hạt” trong tuyến giáp thường gọi là “nhân giáp”. Các “nhân giáp” này có thể được chính người bệnh sờ thấy hoặc nhìn thấy thường hay đa phần phát hiện tình cờ khi siêu âm vùng tuyến giáp. Các nhân giáp có kích thước rất khác nhau có thể từ vài milimet chỉ phát hiện được trên siêu âm đến vài centimet có thể phát hiện dễ dàng khi nhìn hoặc sờ vùng cổ.
Khi người bệnh có “nhân giáp”, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và dựa vào siêu âm hình thái tuyến giáp để đánh giá nhân giáp về: số lượng, kích thước, tính chất cùng với khảo sát có hạch cổ đi kèm hay không. Sau đó, bệnh nhân được lấy máu xét nghiệm FT4 và TSH đánh giá chức năng tuyến giáp. Cuối cùng, người bệnh cần làm xét nghiệm “chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm” để khẳng định chẩn đoán có ung thư tuyến giáp hay không.
Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm
Cách thực hiện: dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ dùng một kim nhỏ hút các tế bào từ khối u ra, trải lên lam kính quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá đặc điểm của tế bào u. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được chỉ định cho tất cả các nhân giáp có đặc điểm nghi ngờ như: kích thước lớn trên 0,5cm, dạng đặc, có vôi hóa, bờ không đều… Khả năng chẩn đoán của chọc hút tế bào bằng kim nhỏ rất cao, lên đến 95% nếu lấy đủ mẫu bệnh phẩm và bác sĩ giải phẫu bệnh có kinh nghiệm. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và khả năng chẩn đoán cao nên ngày càng được áp dụng nhiều hơn trong việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp.
Như vậy, khi kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ là ung thư hay nghi ngờ ung thư, người bệnh sẽ được bác sĩ đánh giá về tình trạng bệnh nhân và lên kế hoạch điều trị ung thư tuyến giáp.
BS. Lê Thanh Huyền