Trần Thanh Hậu (Hưng Yên)
Thuốc chuyên khoa về mắt bao gồm nhiều chủng loại khác nhau: thuốc kháng khuẩn, kháng nấm (clorocid, tetracyclin, gentamycin…), thuốc chống viêm, chống dị ứng (prednisolon, fluorocortison…). Có thuốc chỉ có một hoạt chất, nhưng lại có biệt dược kết hợp hai, ba hoạt chất. Phổ biến nhất là phối hợp thuốc chống dị ứng, chống viêm và thuốc kháng nấm, kháng sinh, sát khuẩn.
Thuốc nhỏ mắt là để dùng tại chỗ nhằm chữa các bệnh mà nguyên nhân sinh bệnh thường diễn ra tại đó như viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm tuyến lệ… nhưng nếu uống hay để hầu hết thuốc chảy vào họng như uống (thuốc sẽ bị hấp thu toàn thân) thì không có lợi. Nguy hiểm hơn khi dùng các hoạt chất chứa corticoid, dùng dài ngày…
Để hạn chế thuốc xuống miệng, cần nhỏ thuốc đúng liều lượng, (về số giọt), đúng số lần trong ngày và thời gian (cả đợt điều trị) dùng thuốc. Thông thường 1-2 giọt/lần nhỏ. Ngày 2-4 lần (tùy theo bệnh). Nếu không thận trọng nhỏ quá liều (thường người bệnh hay nhỏ một lúc 3 – 4 giọt cho chắc chắn hoặc cứ bóp thuốc xuống ồ ạt) và không có thao tác đúng làm cho thuốc chảy vào miệng, như vậy sẽ không làm cho thuốc có tác dụng tại chỗ cần, không chữa được bệnh tốt tại mắt mà lại có hại cho toàn thân.
Tư thế nhỏ mắt tốt nhất là khi nằm cho đầu ngửa ra, mở mắt hoặc tốt nhất là nhờ người khác vành mắt ra, dùng 2 ngón tay bóp khẽ cho thuốc rơi gọn vào mắt đúng 1 hoặc 2 giọt tùy theo hướng dẫn, không dùng cả bàn tay bóp mạnh làm cho thuốc ra quá nhiều chảy thành dòng gây quá liều. Để thuốc không xuống miệng, khi nhỏ mắt cần ấn vào cánh mũi gần góc trong của mắt từ 1 đến 2 phút… nằm yên một lát rồi mới ngồi dậy.
DS. Hữu Nam