Bên cạnh đó, ăn chay đúng cách sẽ hỗ trợ giảm cân vô cùng hiệu quả, mang lại một làn da tươi trẻ, mịn màng, đầy sức sống…
Lợi ích của phương pháp ăn chay
Phương pháp điều trị bệnh bằng cách ăn “gạo lứt, muối vừng” được gọi là “phương pháp thực dưỡng” (Macrobiotics), ra đời bởi giáo sư người Nhật có tên Sakurazawa Nyoichi – mà bây giờ, người ta vẫn quen gọi là phương pháp Oshawa. Hiện nay phương pháp Oshawa trở nên phổ biến đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh.
Chế độ ăn gạo lứt – muối vừng có hiệu quả đặc biệt với hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất hiện nay là tim mạch và ung thư. Cả hai loại bệnh trên, theo các nghiên cứu khoa học đều có liên hệ mật thiết với thực phẩm nhiều chất đạm động vật và nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, ít chất xơ mà chúng ta ăn hàng ngày. Thủ phạm gây bệnh tim mạch chính là cholesterol gây xơ vữa động mạch, gây hẹp mạch máu, còn đối với bệnh ung thư thì cholesterol và chất béo bão hòa, có khuynh hướng thúc đẩy một số tế bào ung thư phát triển, nhất là ung thư vú. Sự chuyển hóa thành năng lượng của chúng có tác dụng kích thích đối với hormon sinh dục nữ, mà các hormon nữ lại có tác dụng thúc đẩy sinh ra ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng. Vì vậy một chế độ dinh dưỡng ít chất béo, nhiều ngũ cốc lứt (nguyên chất, chưa chế biến), rau đậu, trái cây tươi và các thức ăn giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch và ung thư.
Gạo lứt – muối vừng là nền tảng để có sức khỏe tốt, bởi vì chúng không có cholesterol, rất ít loại chất béo bão hòa, nhiều chất phytochemicals và chất xơ. Do đó chúng có khả năng làm giảm cholesterol trong máu, tức giảm thiểu mức độ lâm bệnh tim mạch. Ngoài ra, chúng cũng có khả năng ngăn ngừa các bệnh ung thư, bệnh đái tháo đường, bệnh loãng xương và các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ.
Khi phân tích thành phần của gạo lứt cho thấy không những nó có đủ những chất dinh dưỡng như protein, chất béo, glucid mà còn có nhiều loại vitamin, các chất khoáng, chất xơ và nhiều chất khoáng, vì vậy gạo lứt là loại thực phẩm bổ dưỡng, phòng và chữa bệnh tốt. Quá trình sản xuất gạo lứt chỉ là loại bỏ đi lớp vỏ trấu mỏng phía ngoài nên ít làm giảm giá trị dinh dưỡng của hạt gạo. Quá trình xay xát thóc để chuyển gạo lứt thành gạo trắng đã phá huỷ 67% lượng vitamin B3, 80% lượng B1, 90% lượng B6, ½ lượng mangan, ½ lượng phốtpho, 60% lượng sắt, tất cả lượng chất xơ và axit béo cần thiết. Gạo lứt là nguồn thực phẩm giàu mangan và là nguồn chứa nhiều sêlen và magiê, đây là những vi chất dinh dưỡng quan trọng phòng ngừa bệnh các bệnh tim mạch và ung thư.
Hạt vừng hay được gọi là hạt mè với nhiều loại, phổ biến là vừng vàng, vừng trắng và vừng đen. Hạt vừng có giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, ngoài hàm lượng protein cao chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu, chất béo không bão hòa, không có cholestetol thì trong hạt vừng còn chứa lượng lớn các vitamin, các khoáng chất tự nhiên và các hợp chất hữu cơ bao gồm canxi, sắt, magiê, phốt pho, mangan, đồng, kẽm, chất xơ, thiamin, vitamin B6, axit folic… Vừng có hàm lượng selen rất cao có tính năng chống ung thư.
Và nhược điểm
Chế độ ăn chay đúng là rất tốt cho sức khỏe, nhưng nó cũng có nhược điểm là thiếu một số axit amin thiết yếu, thiếu một số vitamin như B12, vitamin D. Các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi trong các thức ăn thực vật tuy cao nhưng giá trị sinh học thấp, hấp thu kém nên người ăn chay trường dễ bị thiếu máu dinh dưỡng. Cho nên những người bị suy dưỡng, thiếu máu, cơ thể suy kiệt không nên ăn chay trường, hoặc chỉ nên ăn chay bán phần chỉ không ăn thịt nhưng vẫn nên ăn trứng và uống sữa, hoặc ăn chay cách nhật. Khi ăn chay cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn thực phẩm tươi, không ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhất là các món giả chay như giả thịt, cá, giò, chả…vì chứa nhiều phụ gia, chất điều vị có hại cho sức khỏe.
Chế độ ăn gạo lứt – muối vừng chỉ có tác dụng phòng ngừa bệnh và hạn chế sự tiến triển của các bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, còn khi đã bị bệnh nặng thì vẫn phải tuân theo điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nhất là những bệnh nhân ung thư thường được khuyên nên có chế độ dinh dưỡng với nguồn gốc thực vật, nhiều rau xanh nhưng tuyệt nhiên không ai khuyên bệnh nhân nên cắt bỏ toàn bộ đạm động vật ra khỏi chế độ ăn của mình. Nếu người bệnh lựa chọn ăn chay, phải đảm bảo đó là một chế độ ăn chay lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và năng lượng cho cơ thể. Bởi nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy yếu, suy kiệt và không đủ sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để ăn chay có hiệu quả có tác dụng chữa bệnh phải lựa chọn thực phẩm sạch, tươi, ăn thực phẩm toàn phần chưa qua chế biến (ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả ăn cả vỏ..), ăn đa dạng thực phẩm thì mới đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Dù là ăn chay vẫn phải hạn chế chất béo, chất ngọt, ăn nhạt và hạn chế thức ăn xào rán thì mới có tác dụng chữa bệnh.
Gạo lứt có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Theo chế độ ăn uống Macrobiotics thì thành phần các loại thực phẩm nên phân bố như sau: Thực phẩm cung cấp chất gluxit, chất xơ (gạo lứt, yến mạch, ngô, khoai củ)chiếm 50% tổng lượng thực phẩm được đưa vào cơ thể; Thực phẩm cung cấp chất đạm, các vi chất dinh dưỡng: Đậu đỗ các loại, vừng, lạc, nấm…, thịt trắng hoặc cá chiếm 20% (trong đó thịt trắng hoặc cá không quá 10%); Thực phẩm cung cấp chất xơ, các vitamin và khoáng chất như rau xanh các loại, hoa quả tươi nhiều màu sắc: 30%. Khi chế biến ưu tiên ăn sống, trộn salat, hấp luộc, hạn chế xào rán nhiều dầu mỡ.
Ngoài chế độ ăn chay trong dinh dưỡng tiết chế cũng có rất nhiều chế độ ăn cho các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như: Chế độ ăn cho người bị tăng huyết áp, huyết áp thấp, suy tim, đái tháo đường, mỡ máu, bệnh gout, bệnh thận, bệnh gan… hoặc chế độ ăn cho người suy dinh dưỡng, thừa cân – béo phì, loãng xương, chế độ ăn sau phẫu thuật… Chế độ ăn là một phần không thể thiếu trong điều trị các bệnh.
Bên cạnh chế độ ăn thì một tinh thần thoải mái lạc quan yêu đời kết hợp với năng vận động luyện tập thể dục thể thao chính là chìa khóa vàng để có một cơ thể khỏe mạnh.
Chế độ ăn là một phần không thể thiếu được trong phòng và chữa trị đa số các bệnh hiện nay. Tuy nhiên, cần áp dụng chế độ ăn cân đối, hợp lý, phù hợp với giai đoạn, thể trạng, bệnh tật của từng cá nhân cụ thể mới đạt được hiệu quả mong muốn.
ThS. BS. Lê Thị Hải