Việc thi cử đối với một số trường hợp có thể trở thành một chấn thương tâm lý mạnh, đủ sức gây ra bệnh cho thí sinh. Dưới đây là các rối loạn tâm thần hay gặp trong mùa thi.
Phản ứng stress cấp
Rối loạn này xuất hiện đột ngột ở các thí sinh mà kết quả bài thi kém xa sự kỳ vọng của bản thân họ và gia đình. Rối loạn stress cấp là các triệu chứng xuất hiện trong vòng một tháng sau khi có chấn thương tâm lý. Trong và sau khi bị chấn thương, bệnh nhân có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: cảm giác chết lặng, cảm giác tan rã hoặc mất đáp ứng cảm xúc, giảm nhận thức với xung quanh… Các rối loạn này thường diễn ra trong vòng 2 ngày đến 4 tuần sau chấn thương.
Biểu hiện lâm sàng của rối loạn stress cấp tính có thể khác nhau tùy theo cá nhân nhưng thường có cảm giác tan rã, có phản ứng giận dữ mạnh mẽ, trong đó đặc trưng là tình trạng kích động.
Các triệu chứng xảy ra ngay lập tức sau khi thi trượt, nhưng không kéo dài quá một tháng.
Những sự kiện chấn thương có thể được tái diễn theo những cách khác nhau. Thông thường, các cá nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra. Những hồi tưởng này tái phát một cách tự phát hay được kích hoạt bởi các kích thích gợi nhớ những đau thương.
Giấc mơ đau buồn có thể chứa các nội dung liên quan đến chấn thương tâm lý. Trong khoảng thời gian từ vài giây đến vài giờ hoặc thậm chí cả ngày, khi bệnh nhân hồi tưởng về sự kiện chấn thương tâm lý, bệnh nhân cư xử như thể trải qua những sự kiện tại thời điểm đó.
Các bệnh nhân có thể mất khả năng để cảm nhận những cảm xúc tích cực (ví dụ: hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng hoặc những cảm xúc liên quan với sự thân mật, âu yếm). Họ hầu như chỉ có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, tội lỗi hoặc xấu hổ.
Tập luyện thể thao giúp các sĩ tử nâng cao thể lực và cân bằng tâm lý trong quá trình thi cử.
Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân có rối loạn stress cấp. Họ khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, hay có ác mộng. Họ dễ nổi cáu vô cớ, quá nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm năng. Họ khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ các sự kiện hàng ngày (ví dụ, quên số điện thoại). Bệnh nhân rối loạn stress cấp có thể phản ứng rất mạnh với các kích thích bất ngờ, như giật mình khi có ánh sáng mạnh hoặc tiếng động đột ngột (ví dụ, họ giật mình khi có tiếng chuông điện thoại).
Về điều trị: Tâm lý liệu pháp đóng vai trò quyết định trong điều trị phản ứng stress cấp. Trước hết phải cô lập được stress. Bệnh nhân cần được đưa ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý thì hầu hết bệnh nhân dần trở về trạng thái tâm lý bình thường. Tình trạng lo âu, hốt hoảng, phân ly sẽ giảm đi.
Động viên an ủi bệnh nhân để bệnh nhân nhận thấy rằng những điều xấu nhất đã qua, giúp họ thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể.
Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.
Nhìn chung trong giai đoạn này bệnh nhân thường cần có người bên cạnh, động viên giúp đỡ họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Thuốc bình thần benzodiazepin có tác dụng cắt tình trạng lo âu quá mức, hoảng hốt, sợ hãi, phân ly, kích động của bệnh nhân. Chỉ nên dùng nhóm thuốc này khi thực sự cần thiết, không nên sử dụng kéo dài. Khi điều trị, thường sử dụng thuốc đường uống. Nhưng trong một số trường hợp cần thiết, có thể dùng thuốc tiêm (seduxen 10mg, tiêm bắp 1 ống). Các thuốc thường dùng là: seduxen, lexomil.
Rối loạn thích ứng
Rối loạn thích ứng (còn gọi là rối loạn điều chỉnh) được đặc trưng bởi một phản ứng cảm xúc với việc thi trượt. Triệu chứng phát triển phức tạp có thể liên quan đến lo âu hoặc trầm cảm hoặc rối loạn hành vi. Các triệu chứng phải bắt đầu trong vòng 3 tháng sau khi có chấn thương tâm lý.
Mặc dù rối loạn thích ứng được định nghĩa là do chấn thương tâm lý gây ra, nhưng các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay sau khi có chấn thương tâm lý. Có thể các triệu chứng chỉ xuất hiện sau 3 tháng bị chấn thương tâm lý.
Các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng giảm đi ngay khi chấn thương tâm lý kết thúc. Nếu chấn thương tiếp tục diễn ra, rối loạn có thể trở thành mạn tính.
Rối loạn thích ứng hay xảy ra ở tuổi vị thành niên. Các triệu chứng của nó rất khác nhau. Các biểu hiện cũng có thể bao gồm hành vi tấn công và lái xe thiếu thận trọng, uống rượu quá mức, không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ và tự tử.
Về điều trị: Liệu pháp tâm lý hay được áp dụng để điều trị cho rối loạn thích ứng. Liệu pháp nhóm tập hợp những bệnh nhân có rối loạn thích ứng do cùng một loại stress gây ra. Họ cùng nhau trao đổi phương pháp vượt qua stress. Những người đã điều trị thành công sẽ giúp đỡ những người còn bị rối loạn thích ứng hoặc những người bị các triệu chứng nặng nề hơn. Liệu pháp tâm lý nhóm hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh hành vi, lối sống của mình để đối phó với stress. Liệu pháp này có hiệu quả cao với những người chưa có nhiều kinh nghiệm sống, có rối loạn hành vi và có các vướng mắc với pháp luật.
Điều trị bằng thuốc giúp bệnh nhân nhanh chóng giảm nhẹ và hết các triệu chứng của bệnh, vì vậy chúng hay được áp dụng trong lâm sàng. Đa số bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú bằng cách dùng thuốc điều trị trong một thời gian ngắn. Các bệnh nhân có lo âu nhiều sẽ được sử dụng thuốc bình thần (diazepam, clonazepam, clonazepat) một đợt ngắn phối hợp với thuốc chống trầm cảm đa vòng hoặc SSRI. Những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm chiếm ưu thế được khuyên sử dụng các thuốc chống trầm cảm SSRI như sertralin, paroxetin, fluoxetin, fluvoxamin.
Phòng ngừa
Để giúp các sĩ tử vượt vũ môn một cách thành công và không gặp các rối loạn tâm lý trong và sau khi thi, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ cần tạo môi trường tâm lý thoải mái cho các con, cho các con một chương trình học tập, ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học, tránh gây áp lực quá mức dễ khiến trẻ mắc các rối loạn tâm thần nêu trên.
PGS.TS. Bùi Quang Huy
(Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103)