Các mẹ từng cho con uống thuốc cam hãy đưa trẻ đi xét nghiệm chì ngay lập tức

Theo PGS.TS. Phạm Duệ, tất cả các phụ huynh đã từng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc, mua từ những ông lang bà mế không có giấy phép hành nghề hãy mang con đi xét nghiệm chì máu. Đó là cách duy nhất để phát hiện trẻ có bị ngộ độc chì hay không, và nếu bị ngộ độc chì, trẻ sẽ được đưa vào chương trình giải độc chì theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.

Ngộ độc chì từ mỹ phẩm, nguồn thực phẩm, những đồ hộp có chì là mối nguy hại với người lớn. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, nhiễm độc chì còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi ở trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn. Nhắc đến ngộ độc, không ít người hiểu đơn giản là bệnh với các triệu chứng đau bụng, nôn, sốc… Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện của ngộ độc cấp tính. Còn những ngộ độc mãn tính nguy hiểm lại âm thầm gây hại cho cơ thể từng ngày, trong đó có ngộ độc chì, đặc biệt là ngộ độc chì xuất phát từ việc các bậc cha mẹ cho con uống thuốc cam.

Một mẫu thuốc Nam (Hồng đơn) không rõ nguồn gốc (được xác định trong thành phần có hàm lượng chì cao)

Trước đó năm 2012 được coi là đỉnh điểm phát hiện ra hàng loạt trẻ ngộ độc chì do có sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tình trạng này vẫn không hề giảm đi, mà nó luôn dập dềnh như “tảng băng chìm”, và chúng ta chỉ có thể tạm thời vạt được cái ngọn đó đi làm cho dư luận yên tâm nhưng vẫn còn rất nhiều cháu nhỏ khác chưa được phát hiện ngộ độc chì.

“Trong thuốc chữa bệnh không được phép có chì. Việc dùng các loại thuốc cam rởm khác với các bài thuốc cam trong y học dân tộc (không hề có chì trong đó, có tác dụng tốt với trẻ em) sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ với trẻ cả về thể lực và tinh thần, nhẹ thì giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ , ảnh hưởng đến khả năng học tập, rối loạn phát triển, ý thức trì độn, không có khả năng học tập và tự phục vụ bản thân mình. Trong khi đó, triệu chứng ngộ độc chì hoàn toàn không đặc hiệu, nhiều trẻ không có biểu hiện lâm sàng nên dễ bỏ qua. Chính vì vậy, cách duy nhất là phải đưa trẻ đi xét nghiệm chì máu để biết được trẻ có bị ngộ độc chì hay không”- PGS.TS. Phạm Duệ nhấn mạnh.

 

Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Các thuốc nam dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi,… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em ở các tỉnh miền Bắc hiện nay. Đặc biệt nếu các thuốc dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam hoặc hồng.

Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

D.Hải

Rate this post