Theo dược tính hiện đại, nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như chất đạm, chất béo, acid tanic, bêta-caroten và các chất khoáng phosphor, sắt, calci, kali, mage và nhiều sinh tố (B1, B2, C).
Theo y học cổ truyền, bưởi có vị ngọt chua tính mát, không độc. Tác dụng kiện tỳ vị, tiêu đàm, thanh nhiệt, giải rượu… Ăn bưởi chữa được chứng bụng đầy, chậm tiêu, nội nhiệt, táo bón, phong thấp nhức mỏi, tiểu đường, tăng huyết áp. Người béo phì “do can khí uất kết”, mập phì, thừa cân do hay uống rượu thường xuyên ăn bưởi giúp giảm cân.
Lá bưởi có nhiều tinh dầu thường dùng nấu nước xông hơi trị cảm cúm, nấu nước gội đầu làm sạch gầu, tóc thơm bóng mượt, phòng trị nấm tóc ngứa đầu…
Hạt bưởi sao vàng sắc uống mỗi lần 5-10g trị đau dạ dày, bụng đầy hơi.
Tầm gửi cây bưởi trị phong thấp nhức mỏi, chữa ho lâu ngày. Tinh dầu hoa bưởi, khử mùi, trị tóc khô tóc rụng. Vỏ bưởi làm mứt ăn chữa ho viêm họng.
Vỏ bưởi phơi khô dùng làm thuốc nam sắc uống giải cảm, kiện tỳ, hóa đàm, tiêu trệ. Tài liệu gần đây cho biết trong vỏ, hạt, cùi bưởi có chứa nhiều chất peptin làm tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn, đồng thời cũng làm tăng cảm giác no kéo dài, giảm năng lượng ăn vào, cũng là biện pháp giảm cân…
Kinh nghiệm nhân dân lấy khoảng 100g vỏ ngoài quả bưởi tươi sắt nhỏ và một quả dừa lớn đẽo phía cuống cho vỏ bưởi vào, sau đó đốt than nướng chín rồi vắt lấy nước uống ngày 1 trái, đợt dùng 5-7 ngày. Chữa người lúc nóng lúc lạnh, nổi da gà.
Quả bưởi non chữa thoát vị bẹn, phơi khô cắt lát sao vàng sắc nước uống trị gan nhiễm mỡ, ăn uống chậm tiêu. Sa tinh hoàn: lấy 15g hạt bưởi băm nhỏ sắc uống ngày 2 lần (kinh nghiệm của lương y Bàng Cẩm).
Lưu ý: bưởi có vị chua không nên ăn nhiều lúc bụng đói; người đang đau do gút, viêm loét dạ dày không nên dùng.
Lương y Phan Thị Thạnh