Các loại nước sôi như nước lèo, canh, cháo là những nguy cơ gây bỏng ở trẻ nhỏ. Đáng lưu ý là tai nạn thường xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.
Thống kê tại BV. Nhi Đồng 1 có gần 2.000 trường hợp trẻ bị phỏng nhập viện hàng năm, khoảng 1/3 các trường hợp xảy ra vào mùa hè, chủ yếu do bỏng nước sôi.
Bú nhầm bình nước sôi
Bé N.S.T., 5 tháng tuổi, ở TP. HCM, đến khám vì phỏng mặt. Mẹ bé cho biết lúc chiều, do bận chuẩn bị bữa ăn chiều cho cả nhà, chị đã để bé cho anh trai, học lớp 2, trông chừng như mọi ngày. Chị cũng không quên cho nước sôi vào bình sữa, đậy nắp hờ và đặt trên chiếc bàn cạnh đó chờ nguội dần để pha sữa cho kịp khi bé đói. Được một lúc thì chị nghe bé khóc thét lên, chạy vào phòng thấy mặt bé bị phỏng, miệng và vùng da xung quanh bị đỏ lan qua má và xuống cả cằm. Thì ra tưởng là nước uống nên khi thấy bé đói anh đã lấy cho bé bú đỡ trong lúc chờ mẹ xong việc. Bình nước sôi đậy không kỹ đã đổ ra làm bé bị phỏng rộng cả mặt cổ. Chị đã ẵm con vào lòng và cho bú mẹ nhưng thấy bé quấy nhiều, quanh miệng và mặt sau đó càng lúc đỏ lên nhiều phải đưa bé vào bệnh viện.
Khi pha nước, không nên đổ nước sôi vào trước |
Do người lớn bất cẩn
Đối với trẻ, ly, bình nước nóng chuẩn bị pha sữa, tô canh đang dọn trên bàn, nồi cháo nóng vừa bắc ra khỏi bếp cho đến bình thủy chứa nước sôi hay thau nước nóng chuẩn bị pha tắm, để dưới đất đều có thể lôi kéo sự tò mò khám phá của trẻ và trở nên nguy hiểm như một ngọn lửa. Phỏng nước sôi hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở nhóm 1 – 4 tuổi, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Hầu hết tai nạn phỏng xảy ra là khi trẻ đang ở một mình, lúc người lớn bận rộn và rời mắt khỏi bé. Phụ huynh lại hay quên để những vật chứa nước nóng này trên bàn, dưới đất trong tầm nhìn của trẻ, khi chúng với lấy nghịch làm đổ nước sôi vào người. Đáng lưu ý là nguyên nhân thường xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn trong lúc vừa trông trẻ vừa làm những công việc nhà như lúc dùng nước sôi pha nước tắm, pha sữa, nấu canh, nấu nước, châm nước sôi, pha sữa, chuẩn bị bữa ăn. Mà da trẻ em chỉ cần tiếp xúc nhanh với nước nóng ở nhiệt độ 600C đã đủ để gây phỏng.
Cách sơ cứu bỏng
Sơ cứu phỏng đúng cách tránh nhằm ngăn ngừa phỏng sâu hơn, tránh biến chứng và giúp giảm nhiễm trùng, di chứng sẹo ở trẻ sau này. Các bước như sau:
– Ngay lập tức làm mát ngay vùng da bị phỏng để làm hạn chế tổn thương phỏng bằng cách đặt vếtphỏng dưới vòi nước hoặc dội nhiều nước sạch lên vết phỏng trong vài phút. Phỏng miệng cho uống nhiều nước.
– Phỏng da có thể bôi phủ vết phỏng bằng thuốc mỡ đặc trị phỏng sau đó. Ở trẻ trên 2 tháng nên dùng loại pomade trong thành phần có sulphadiazine bạc 1% để giúp vết phỏng mau lành. Tránh tối đa tiếp xúc với những vật dụng không sạch để tránh bị nhiễm trùng thêm.
– Băng lại bằng gạc sạch.
– Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu vết phỏng ở những vị trí nguy hiểm ảnh hưởng chức năng cơ thể hoặc thẩm mỹ như bàn tay, bàn chân, mặt, mắt, tai, bộ phận sinh dục hoặc vết phỏng rộng, sâu. Trẻ sơ sinh bị phỏng cũng cần đưa đến ngay cơ sở y tế.
Lưu ý
– Không nên dùng nước mắm, kem đánh răng, mật ong, mỡ, bùn non bôi lên vết phỏng.
– Không được dùng nước đá chườm vào vết thương phỏng.
– Tránh chọc vỡ bóng nước vì sẽ làm chậm lành vết thương và thêm nguy cơ nhiễm trùng.
– Khi da phỏng lành vẫn phải tránh tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian 6 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Phòng tránh
Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý không để trẻ ở trong bếp, gần lửa, gần nước sôi, thức ăn uống còn đang nóng. Khi pha sữa hay nước tắm trẻ nên đổ nước lạnh trước, sau đó pha thêm nước nóng để vừa ấm. Khi trông giữ trẻ nhỏ không được để bé một mình hay nhờ trẻ khác trông để đi làm việc khác.
BS.CKII. NGUYỄN THỊ KIM THOA