“Bố mẹ ơi, con muốn nói…”

Trẻ em vốn là những đối tượng
còn non nớt và dễ tổn thương, luôn cần được quan tâm coi sóc về mọi mặt, đặc
biệt là về sức khỏe. Vậy mà theo một nghiên cứu gần đây của Viện Tâm Lý Học Hoa
Kỳ, trẻ em mắc phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần và tâm lý thường không
được điều trị triệt để như người lớn. Cụ thể, thống kê cho thấy cứ 5 trẻ thì có
1 trẻ được chẩn đoán có vấn đề về tâm lý hoặc tinh thần, nhưng chỉ 1/3 số trẻ
được chẩn đoán nhận được điều trị thực sự. Vì sao lại có tình trạng này?

Vì nhiều người lớn vẫn quan
niệm, con nít thì chỉ chơi đùa, biết gì đâu mà bị vấn đề tâm lý này nọ. 

Vì đâu nên nỗi?

 “Hầu hết các bậc cha mẹ không muốn tin rằng
con mình có vấn đề về tâm lý.” – William M. Klykylo phát biểu. Ông là tiến sĩ y
học, giáo sư của Trường Đại Học Y Khoa Wright State ở Dayton, Ohio.
“Nhưng một ngày nọ, nếu bạn cảm thấy con bạn có điều gì không ổn, hoặc nếu
những người khác – như thầy cô hoặc người giúp việc – nói bạn rằng con bạn có
những biểu hiện bất thường, bạn không nên chủ quan.”

"Bố mẹ ơi, con muốn nói…" 1

Nếu trẻ hiếu động, hung hăng
hoặc nhút nhát quá mức thì phụ huynh hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc
chuyên gia về tâm lý. Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ không nên lơ
là những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý của trẻ. Do còn nhỏ tuổi, nên phần
lớn các bé không thể nhận thức hoặc nói lên vấn đề của chúng. Lỡ như đó là
những triệu chứng của trầm cảm, tự kỷ hoặc ADHD (chứng rối loạn tăng động –
giảm chú ý), sẽ rất thiệt thòi cho cả các bé lẫn phụ huynh, vì đây đều là những
chứng tâm lý rất khó điều trị triệt để. 

Nhận diện các triệu chứng

Những biểu hiện tâm lý bất
thường ở trẻ em sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi và tính chất của triệu chứng.
Nhiều triệu chứng trong số đó có thể xảy ra ở những bé rất nhỏ, chưa đến tuổi
đi học. Tuy nhiên, có hai dấu hiệu đặc trưng nhất hiện diện ở mọi chứng tâm lý.
Nếu các bậc cha mẹ phát hiện hai dấu hiệu bất thường này ở con mình, thì hãy
mạnh dạn nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc chuyên gia về tâm lý trẻ em:

– Trẻ có những hành xử quá
khích hoặc kỳ quặc so với lứa tuổi và giới tính của bé, chẳng hạn như hiếu
động, hung hăng hoặc nhút nhát quá mức.

– Trẻ bỗng dưng thay đổi
những hành vi hoặc cư xử vốn có của mình theo hướng tiêu cực mà lại không giải
thích được; chẳng hạn như thành tích học tập bỗng dưng sa sút.  

Nhiều trẻ thậm chí có nhiều
hơn một triệu chứng, khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn.

Sau đây là các dấu hiệu,
triệu chứng tâm lý ở trẻ em được phân loại theo độ tuổi mà các bậc cha mẹ cần
lưu ý.

Lứa tuổi tiền học đường và
những năm đầu tiểu học:

– Hành xử không bình thường
trong nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo.

– Hiếu động quá mức so với
các trẻ khác.

– Ngủ không yên giấc.

– Thường xuyên gặp ác mộng.

– Hay la khóc, bồn chồn và sợ
hãi.

– Hung hãn hoặc không chịu
vâng lời: về mặt lý thuyết, trong mỗi một đứa trẻ đều có tồn tại bản năng bất
tuân và chiếm hữu. Nhưng nếu bản năng này được bộc lộ trên mức bình thường, dẫn
đến những hành vi hủy hoại như hay đập phá đồ đạc, đánh nhau với bạn bè hoặc
làm tổn thương vật nuôi, thì cha mẹ cần lưu tâm và can thiệp ngay lập tức.

– Hay nổi nóng, cáu kỉnh.

– Không thích rời xa cha mẹ
hoặc một người thân nào đó: Hiển nhiên nhiều đứa trẻ sẽ la khóc do chưa quen
với việc đi học hoặc rời xa cha mẹ. Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn không
ngừng và kéo dài trên một tháng, đây cũng là một dấu hiệu không bình
thường. 

Tuy nhiên, tiến sĩ Klykylo
cũng nói thêm rằng một số triệu chứng tâm lý trên đây còn có thể là biểu hiện
của một bệnh lý nào khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ. Nên việc tìm kiếm sự
hỗ trợ chuyên môn vẫn là giải pháp tốt hơn cả.

Lứa tuổi thiếu niên/trung học
cơ sở:

Ở lứa tuổi này, các bậc cha
mẹ nên để ý những mối quan hệ của con mình. Đây chính là một cách hữu hiệu để
đánh giá tình trạng sức khỏe tâm lý và tinh thần của trẻ. Trẻ em ở độ tuổi này
có thể có nhiều bạn hoặc ít bạn. Nhưng số lượng bạn bè không quan trọng bằng
chất lượng: con bạn đang chơi với những loại bạn nào, và cách thức chúng duy
trì những mối quan hệ đó ra sao. Nếu các mối quan hệ bạn bè của con bạn thường
xuyên có xung đột, bạn hãy lưu tâm.

Sau đây là một số biểu hiện
đáng chú ý:

– Hay lo âu hoặc sợ hãi quá
mức.

– Quá hiếu động.

– Thành tích học tập sa sút
bất thường.

– Thụ động, không còn hứng
thú với các mối quan hệ bạn bè hoặc các hoạt động ưa thích thường ngày.

– Chán ăn.

– Giấc ngủ thất thường.

– Hay buồn bã kéo dài.

– Sử dụng thuốc hoặc chất
kích thích.

– Nhìn thấy hoặc nghe thấy
những chuyện không có thực.

 Tiến sĩ Klykylo lưu ý rằng, đứng từ góc độ của
cha mẹ, sẽ rất khó để phán đoán được chuyện gì đang xảy ra với trẻ. Ông đề cập
một ví dụ: “Trẻ em có thể bị trầm cảm, nhưng trầm cảm lại thường đi kèm với
tính hiếu động”. Trong khi trầm cảm có thể dẫn đến chán ăn, nhưng nếu các em
không chịu ăn uống đầy đủ hoặc chỉ ăn rất ít, nhiều khả năng trẻ đang bị chứng
rối loạn ăn uống chứ không nhất thiết là trầm cảm.  

Lứa tuổi dậy thì:

Các em ở tuổi này vẫn có thể
có những triệu chứng kể trên. Nhưng do các em đã lớn hơn, nên có thể diễn đạt
và hiểu những rắc rối của bản thân. Ở lứa tuổi này, các bậc cha mẹ cần lưu ý
thêm ở trẻ:

– Những hành vi mang tính hủy
hoại, chẳng hạn như phá hoại tài sản, chơi đùa với lửa hoặc phóng hỏa.

– Hay dọa bỏ nhà đi bụi. Theo
giáo sư Klykylo, đây thực ra là một hình thức trẻ tự làm tổn thương chính mình.

– Trở nên xa cách với gia
đình hoặc bạn bè.

– Hay viết những dòng nhật
ký, hoặc gửi những bình luận trên Internet có nội dung mang tính hủy hoại bản
thân. 

Biện pháp hỗ trợ trẻ

Việc sớm nhận diện các vấn đề
tâm lý ở trẻ em để nhanh chóng chẩn đoán và điều trị đóng vai trò vô cùng quan
trọng. Vì chỉ khi được điều trị, các em mới có thể sớm hòa nhập với mọi người
và được tiếp tục phát triển một cách bình thường.       

Thông thường, quá trình chẩn
đoán và điều trị sẽ bắt đầu từ việc thu thập thông tin từ những người trực tiếp
chăm sóc trẻ, các bài kiểm tra về tâm lý và sức khỏe để xác định nguyên nhân
đích thực của triệu chứng. Đối với trẻ em, quy trình kiểm tra này cần phải được
thực hiện thận trọng hơn bình thường, nhằm tránh lầm lẫn giữa các vấn đề tâm lý
với những khuyết tật bẩm sinh (như chứng khó đọc hoặc chậm phát triển).

Những trẻ được chẩn đoán là
có vấn đề về tâm lý sẽ được cung cấp một kế hoạch điều trị, trong đó bao gồm
các liệu pháp tâm lý và đôi khi có cả việc dùng thuốc. Kế hoạch điều trị được
vạch ra và thống nhất bởi cả hai phía bác sĩ điều trị và phụ huynh. Sẽ có một
số trường hợp nhất định cần tham khảo cả ý kiến của trẻ để quá trình điều trị
được diễn ra thuận lợi.     

Tóm lại, nếu bạn có thắc mắc
hoặc nghi ngờ về các biểu hiện tâm lý của trẻ, việc đầu tiên và tốt nhất bạn có
thể làm chính là tìm đến các bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý để có
câu trả lời thực sự chính xác.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ÐAN

Rate this post