Chức năng của mũi, xoang
Mũi có chức năng thở, ngửi và phát âm:
Thở: mũi được xem là cửa ngõ của đường thở. Nhờ cuống dưới, hệ thống mạch máu, các tuyến và tế bào lông chuyển nên không khí qua mũi được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch trước khi vào phổi. Cuống dưới có tính chất cương nên điều chỉnh được luồng không khí cần thiết.
Ngửi: là do các tế bào thần kinh ở phần trên của hố mũi, các dây thần kinh sẽ qua mảnh thủng xương sàng để tới não.
Phát âm: mũi còn đóng vai trò phát âm tạo ra âm sắc và giọng vang của tiếng nói
Xoang được xem là các hốc hỗ trợ cho mũi, tăng thêm độ ẩm, điều hòa luồng không khí và phát âm. Sinh lý của xoang dựa vào sự lưu thông không khí và dẫn lưu nhờ các lỗ thông. Nếu lỗ thông tắc, xoang lâm vào tình trạng bệnh lý. Sự vận chuyển niêm dịch của mũi xoang đều được vận chuyển tới cửa mũi sau, rồi xuống họng.
Nguyên nhân gây viêm mũi xoang:
Soi xoang để hỗ trợ chẩn đoán
Nhiễm khuẩn: Chủ yếu do virus hoặc thứ phát sau các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như cúm, sởi, thủy đậu, bạch hầu…hoặc sau các bệnh như viêm Amydale, viêm VA, viêm lợi, viêm răng...
Dị ứng: Do niêm mạc mũi xoang quá mẫn cảm với các yếu tố kích thích của môi trường, hơn nữa mũi xoang là cửa ngõ của đường hô hấp. Dị ứng và nhiễm khuẩn có liên quan mật thiết với nhau (vi khuẩn có thể là một kháng nguyên hay ngược lại, sau dị ứng là sự bội nhiễm của vi khuẩn)
Chấn thương: Các chấn thương cơ học, do hỏa khí làm làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang đều có thể gây viêm xoang. Ngoài ra, các chấn thương về áp lực có thể xuất huyết, phù nề niêm mạc rồi dây ra viêm xoang
Ngoài các nguyên nhân trên, ta còn thấy các yếu tố thuận lợi như sau :
Yếu tố lý hóa học: do tiếp xúc với các loại bụi, hóa chất, hơi độc
Yếu tố tại chỗ: những cấu tạo bất thường của của mũi xoang như xoang quá rộng, quá hẹp, vẹo vách ngăn, gai mũi, cuốn mũi quá phát, các khối u trong xoang và hốc mũi…làm cản trở sự dẫn lưu và thông khí của xoang
Yếu tố toàn thân: ở những người bị suy nhược toàn thân, rối loạn nội tiết như tiểu đường, rối loạn vận mạch, rối loạn nước và điện giải; những người có bệnh mạn tính như lao, viêm phổi…dễ bị viêm xoang
Triệu chứng:
Triệu chứng lâm sàng: viêm mũi xoang cấp tính là viêm niêm mạc mũi xoang lần đầu mà trước đó hoàn toàn bình thường. Nhóm xoang trước thường hay gặp nhất là xoang hàm vì nó tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân gây bệnh, các xoang sau ít gặp hơn, có thể viêm một xoang đơn độc như viêm hàm cấp do răng; thường là gặp viêm đa xoang vì các xoang đều thông qua hốc mũi
Triệu chứng toàn thân: Thường biểu hiện một thể trạng nhiễm trùng: sốt 38-39 độC, mệt mỏi, kém ăn, suy nhược. Ở trẻ em thường biểu hiện hội chứng nhiễm trùng rõ rệt và sốt cao.
Triệu chứng cơ năng: Đau dữ dội ở trán, má hoặc thái dương, đau lan xuống răng tỏa ra nửa đầu. Đau có giờ nhất định, thường đau vào buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ do ban đêm dịch tiết và mủ bị ứ đọng – những cơn đau có giờ rõ rệt thường là viêm xoang trán – ngoài cơn đau bệnh nhân chỉ thấy nặng đầu, nhức đầu nhiều ở vùng chẩm thì nghĩ đến viêm xoang sau.
Chảy mũi: một hoặc hai bên, lúc đầu trong sau thì đục vàng, xanh mùi tanh, đôi khi có lẫn máu, chảy nhiều bên viêm xoang
Nghẹt mũi: hai bên, nghẹt nhiều bên viêm, đặc biệt khi nằm vào ban đêm; giảm hoặc mất khứu giác.
Triệu chứng thực thể: Nhìn ngoài có thể thấy dấu hiệu sưng nề vùng má hai bên hoặc sưng nề nửa mặt – ấn các điểm xoang đau…
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán xác định viêm mũi xoang cấp dựa vào những tiêu chuẩn sau đây:
Triệu chứng lâm sàng là tiêu chuẩn chính, trong đó những tổn thương thực thể ở khe giữa có vai trò quyết định
Triệu chứng x-quang: chụp Blondeau và Hirtz – Blondeau có giá trị chẩn đoán viêm xoang trước, Hirtz có giá trị chẩn đoán viêm xoang sau; CT Scan xoang rất có giá trị trong chẩn đoán khu trú và điều trị viêm xoang. Triệu chứng X-quang chỉ có giá trị bổ sung cho chần đoán mà không giữ vai trò quyết định vì nhiều trường hợp xoang rất mờ trên phim nhưng bệnh tích trong xoang rất nghèo nàn và ngược lại
Nội soi chẩn đoán: Đây là biện pháp rất có giá trị trong chẩn đoán viêm mũi xoang hiện nay, nó cho phép chẩn đoán chính xác các tổn thương ở khe giữa, khe trên mà bằng phương pháp khám thông thường không thể thấy được
Cận lâm sàng: CTM, BC tăng trong viêm xoang cấp có sốt và mủ
Chẩn đoán phân biệt:
Cần phân biệt với các bệnh sau – sưng vùng hố nanh do răng: khám răng và Xquang cho phép phân loại bệnh này – Đau dây thần kinh hoặc vẹo vách ngăn: bệnh nhân cũng có triệu chứng nhức đầu, nghẹt tắc mũi, chụp Xquang giúp ta phân biệt bệnh
Tiến triển và biến chứng
Tiến triển: viêm mũi xoang cấp có thể điều trị khỏi nếu loại trừ được nguyên nhân và dẫn lưu xoang tốt. Bệnh có thể diễn biến thành mạn tính và hay tái phát nếu không được điều trị tốt – điều này có nguy cơ dẫn đến các biến chứng tới các cơ quan lân cận, đôi khi là những biến chứng nguy hiểm
Biến chứng: Viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu: trong viêm mũi xoang cấp, sau vài cơn nhức đầu, thị lực sụt rất nhanh và bất thình lình, có khi chỉ sau vài ngày chỉ còn thấy ánh sáng ở chu vi thị trường. Viêm tấy ổ mắt, viêm mi mắt, viêm túi lệ, viêm màng não, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, nhiễm trùng huyết… Ở trẻ em có thể gặp biến chứng xương như cốt tủy viêm xương hàm trên, xương thái dương.
Điều trị
Nguyên tắc chung: đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang tốt; điều trị cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa
Điều trị tại chỗ: làm sạch và thông thoáng hốc mũi: xì mũi, xịt mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp corticoid tại chỗ – xông hơi nước nóng: các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được – Khí dung mũi xoang với sử dụng kháng sinh kết hợp corticoid
Kháng sinh: Liệu pháp kháng sinh trong hai tuần có hiệu quả tốt với viêm mũi xoang cấp. Sự lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân, tính chất bệnh lý, điều này do các bác sĩ trực tiếp thăm khám bệnh nhân quyết định.
Phòng bệnh và chăm sóc
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với lạnh, bụi, hóa chất độc hại. Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng. Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang. Uống nhiều nước để làm giảm chất tiết.
Dùng hai ngón trỏ và giữa xoa mũi từ dưới lên và từ trên xuống cho ấm đều, đồng thời thở ra vô mạnh từ 10-20 lần… bạn sẽ thấy dễ chịu.
DS.Bùi Ngọc Lan Hương