Béo phì và bệnh tim mạch

Những năm gần đây, do sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng thiếu dinh dưỡng ngày một giảm đi thì ngược lại, tình trạng thừa dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự dư thừa cân nặng dẫn đến thừa cân, béo phì sẽ kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, vữa xơ động mạch, sỏi thận, xương khớp, một số bệnh ung thư…

Nguyên nhân gây bệnh béo phì

Nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì thường có rất nhiều nhưng 1 trong số đó chủ yếu là do chế độ ăn uống, cách sinh hoạt hằng ngày của bạn mà gây ra: Do lười hoạt động hằng ngày; Chế độ và thói quen ăn uống hằng ngày không lành mạnh; Chế độ ăn uống khi mang thai; Thiếu ngủ dẫn đến đói nhanh và thèm ăn; Do lạm dụng 1 số loại thuốc dùng để tăng cân; 1 số có thể do di truyền bố, mẹ bị béo phì.

Béo phì làm tăng nguy cơ gây bệnh

Tăng huyết áp: Huyết áp ở những người béo phì rất dễ tăng, nếu đột ngột tăng hàm lượng cholesterol sẽ rất nguy hiểm.

Các bệnh về tim: Mỡ bọc lấy tim là tình trạng rất dễ xảy ra ở những người béo phì ở cấp độ cao, dẫn đến tim khó co bóp. Mỡ cũng làm hẹp mạch vành, cản trở lượng máu vận chuyển đến nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.

Rối loạn lipid máu: Béo phì làm tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, làm giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Người béo bụng dễ bị rối loạn lipid máu gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tăng khả năng đột quỵ: Khả năng dẫn đến đột quỵ ở người béo phì cũng cao hơn nhiều lần người bình thường. Người có BMI lớn hơn 30 dễ bị tử vong do bệnh tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch. Những người béo phì mức độ thấp cũng phải cẩn trọng nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (tiểu đường týp 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thì nguy cơ đột quỵ vẫn có thể xảy ra.

Tăng nguy cơ tiểu đường: Một trong những căn bệnh là hệ lụy của béo phì chính là bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng insulin để làm giảm đường huyết ở người béo phì thấp hơn người bình thường và đó chính là nguyên nhân tại sao người bị tiểu đường phần lớn là người béo phì.

Các bệnh về đường tiêu hoá: Người béo phì dễ bị bệnh túi mật, có bất thường về gan, suy giảm chức năng gan, tăng khả năng gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm (gây đầy hơi, táo bón); hệ mạch ở ruột bị cản trở, gây trĩ. Tóm lại là khi béo phì thì chức năng hệ tiêu hóa sẽ giảm đi đáng kể.

Tăng viêm xương khớp: Những người béo phì có tình trạng khung xương phải chịu áp lực quá tải, một sức nặng quá lớn của khối lượng cơ thể dễ dẫn đến đau nhức hay giảm chất lượng xương. Lượng axit uric ở người béo tăng dễ gây bệnh gút. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, khi BMI tăng, lượng axit uric huyết thanh cũng tăng theo.

 

beo phi, thuong xuyen van dong phong tranh thua can beo phi

Thường xuyên vận động phòng tránh thừa cân béo phì

 

Vậy làm thế nào để giảm cân an toàn?

Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý là một việc đòi hỏi nhiều nỗ lực cho phần lớn mọi người trong chúng ta. Để giảm cân, bạn phải ăn bớt đi để năng lượng đưa vào ít hơn năng lượng bạn cần dùng cho chuyển hoá và hoạt động thể lực. Tuy nhiên, không phải như vậy có nghĩa là đột ngột ăn rất ít hoặc bỏ bữa bởi điều đó sẽ làm suy yếu cơ thể chúng ta, thậm chí là gây hại cho cơ thể. Để có thể ăn kiêng lâu dài, bạn cần thực hiện 3 bước chính sau đây:

Hãy quyết tâm. Suy nghĩ của bạn sẽ chi phối hành động của chính bạn. Hiểu được cần nỗ lực như thế nào để thay đổi chính là yếu tố then chốt của chương trình giảm cân có hiệu quả.

Dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ. Một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng luôn đi đôi với giảm cân. Hãy học cách làm thế nào để chuyển từ thói quen ăn uống hiện thời sang kế hoạch ăn uống cân bằng, có lợi cho sức khoẻ.

Hãy vận động nhiều hơn. Hoạt động thể lực thường xuyên là phần quan trọng để có một sức khoẻ tốt. Đó cũng là cách tốt nhất để thoát khỏi vòng xoáy tăng cân – ăn kiêng và duy trì cân nặng ổn định lâu dài.

Để duy trì cơ thể cân đối và gọn gàng, chỉ dựa vào ăn kiêng thôi là không đủ. Những hoạt động thể lực thường xuyên là một nhân tố chính trong việc giảm cân. Nó cũng giúp bạn có được một cơ thể khoẻ mạnh và tốt cho hệ tim mạch, bất kể bạn béo hay gầy.

Chọn thực phẩm có lợi cho sức khoẻ

Làm theo những lời khuyên sau để chuyển từ cách ăn ít đi thành chọn những thức ăn tốt cho sức khoẻ:

Ăn nhiều rau và hoa quả;

Ăn chủ yếu các loại hạt và thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nếu là tinh bột thì nên dùng loại thô như các loại củ, bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt;

Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần; Hãy giảm ăn các loại thức ăn giàu chất béo bão hoà, chất béo tổng hợp, cholesterol (thịt mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng…);

Chọn những loại sữa hoặc đồ ăn có ghi không chất béo, 1% chất béo hay ít béo trên bao bì;

Giảm những đồ uống và thức ăn có nhiều calo mà ít dinh dưỡng, chẳng hạn như nước ngọt có ga và các loại đồ ngọt;

Ăn nhạt và ăn giảm những đồ chứa nhiều muối (dưa, cà, thịt nguội, đồ hộp…);

Nếu bạn có sở thích uống rượu bia, hãy uống điều độ với mức vừa phải. Theo khuyến cáo mới của Hội Tim mạch học Việt Nam, mức độ uống rượu bia cho phép trong 1 ngày tương đương 1 đơn vị rượu được quy ra (60ml rượu vang đỏ; hoặc 30ml rượu mạnh; hoặc 300ml bia).

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng

Rate this post