Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc (hay còn gọi là đáy mắt). Bệnh đứng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các loại bệnh gây mù lòa. Bệnh võng mạc do tia xạ là bệnh mạch máu võng mạc tiến triển chậm, khởi phát muộn sau khi tiếp xúc với tia xạ.
Võng mạc là lớp mô thần kinh của mắt và hoạt động như một cuốn phim trong máy quay. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, nó xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc. Võng mạc có chức năng chuyển năng lượng ánh sáng thành thị lực và gửi thông tin ngược về não qua những dây thần kinh thị giác. Hoàng điểm là phần trung tâm và nhạy cảm của võng mạc, nó cung cấp nội dung cũng như độ sắc nét của thị lực.
Bệnh xuất hiện sau liệu pháp chiếu tia điều trị u trong mắt và vùng đầu – mặt – cổ
Bệnh võng mạc do tia có thể xảy ra sau liệu pháp chiếu tia bên ngoài điều trị u hốc mắt, u xoang, u mũi họng, u sọ mặt hoặc đặt đĩa hoạt tính phóng xạ ở thành nhãn cầu để điều trị u trong mắt. Bệnh võng mạc do tia có thể xuất hiện 6 tháng đến 8 năm, hay gặp nhất từ 6 tháng đến 3 năm sau điều trị tia. Bệnh võng mạc do tia xảy ra sớm hơn với liệu pháp đặt đĩa cobalt củng mạc và muộn hơn nếu điều trị tia các u cạnh hốc mắt.
Cấu trúc của nhãn cầu.
Khi liều tia hàng ngày hoặc tổng liều tia càng lớn thì càng có nguy cơ tổn thương võng mạc và bệnh võng mạc do tia càng nặng. Với liệu pháp chiếu tia bên ngoài, tỷ lệ bệnh võng mạc do tia tăng khi tổng liều tia trên 45Gy; nếu tổng liều tia dưới 25Gy và liều tia hàng ngày không quá 2Gy sẽ ít gây bệnh võng do tia. Với liệu pháp đặt đĩa cobalt, tổng liều tia để có thể gây bệnh võng mạc cao gấp 2-3 lần so với liệu pháp tia bên ngoài. Liệu pháp tia dù ở liều thấp có thể gây bệnh võng mạc do tia nếu có kết hợp hóa trị liệu. Cơ địa đái tháo đường, tăng huyết áp là những yếu tố tăng nguy cơ bệnh võng mạc do tia.
Dấu hiệu nhận biết
Tia xạ gây tổn thương tế bào nội mô mạch máu dẫn đến tắc mao mạch và hình thành vi phình mạch võng mạc. Bệnh nhân có giảm thị lực.
Soi đáy mắt: Phù hoàng điểm là dấu hiệu sớm và phổ biến nhất của bệnh. Những biến đổi vi mạch võng mạc gồm vi phình mạch và giãn mao mạch võng mạc, tiếp theo có xuất tiết bông, những vùng mao mạch không ngấm máu, xuất huyết trong võng mạc, xuất tiết cứng, phù đĩa thị hoặc teo đĩa thị, có thể có lồng bao mạch máu (viền trắng ở thành mạch máu). Hẹp tiểu động mạch, tắc mạch võng mạc lan rộng dẫn đến tân mạch võng mạc và đĩa thị, tân mạch mống mắt và có thể biến chứng xuất huyết dịch kính, bong võng mạc co kéo, glocom tân mạch.
Chụp mạch đáy mắt huỳnh quang có phù hoàng điểm, tăng tính thấm thành mạch, vi phình mạch, có thể thấy tắc mạch võng mạc, những vùng thiếu máu võng mạc, tân mạch võng mạc và đĩa thị.
Chẩn đoán xác định bệnh võng mạc do tia dựa vào tiền sử điều trị tia xạ vùng mắt, đầu – mặt – cổ và các triệu chứng đáy mắt đã mô tả, trong đó tiền sử điều trị tia là rất quan trọng.
Điều trị thế nào?
Những trường hợp phù hoàng điểm không do thiếu máu có thể điều trị quang đông laser dạng lưới, phù giảm và thị lực cải thiện ở nhiều bệnh nhân.
Quang đông toàn bộ võng mạc (trừ vùng võng mạc trung tâm) khi có thiếu máu võng mạc, tân mạch võng mạc.
Tiêm bevacizumab (Avastin) hoặc triamcinolon vào dịch kính cũng có kết quả trong một số trường hợp bệnh võng mạc do tia. Bevacizumab chống yếu tố phát triển nội mô mạch máu nên làm giảm quá trình sinh mạch và rò mạch, triamcinolon điều chỉnh tính thấm của mao mạch nên có tác dụng giảm phù hoàng điểm.
Các phương pháp điều trị khác gồm liệu pháp quang đông, ôxy cao áp (nhằm cải thiện quá trình ôxy hóa), uống pentoxifyllin (tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông máu ở mắt).
Cắt dịch kính nếu xuất huyết dịch kính không tiêu hoặc bong võng mạc co kéo.
Che chắn các cấu trúc mắt khi thực hiện liệu pháp chiếu tia bên ngoài có thể hạn chế được bệnh võng mạc do tia.
ThS.BS. Hoàng Thị Hạnh
((Bệnh viện Mắt Trung ương))