Bệnh viêm gan B có lây qua đường ăn uống?

an-uong-chung-dung-voi-nguoi-bi-viem-gan-b-co-lay-khong

Ảnh minh họa: megafun.

Trả lời:

Chào bạn, 

Virus viêm gan B (HBV) là một loại virus gây ra bệnh viêm gan. Khi nhiễm virus viêm gan B, phần lớn người bệnh không có triệu chứng, chỉ một ít trường hợp biểu hiện viêm gan siêu vi B cấp tính như đau mỏi toàn thân, nước tiểu sẫm màu, chán ăn, sợ mùi thức ăn đặc biệt là thức ăn nhiều béo và nhiều đạm (trứng, thịt, cá). Nếu không được theo dõi và điều trị đúng, bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan.

Đường lây truyền viêm gan siêu vi B gần giống HIV, gồm 3 đường: Máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con. Trong đó chủ yếu là đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus xảy ra khi truyền máu hoặc các chế phẩm qua máu, phẫu thuật, tiêm chích ma túy… 

Ngoài ra một số trường hợp dễ lây truyền viêm gan virus B như dùng chung dụng cụ có khả năng vấy máu từ người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng (nếu bị chảy máu miệng, chân răng). Virus viêm gan B cũng lây qua vết trầy xước, dụng cụ xăm mắt, xăm môi, xăm người, xỏ lỗ tai không được khử trùng đảm bảo.

Bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang thai nhi. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%. Nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ, tỷ lệ này 10% và tăng 60-70% khi mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ mẹ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau sinh.

Đường lây thứ ba là quan hệ. Bệnh viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới.

Virus viêm gan B không lây qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ho, hắt hơi, ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B, hôn trên má hoặc hôn môi “khô”, dùng chung ly, tách, chén, đĩa. Ngay cả việc thăm nhà của người nhiễm HBV hoặc chơi đùa với những đứa trẻ mang virus này cũng không dẫn đến lây nhiễm như mọi người thường lo sợ.

Để phòng bệnh, cộng đồng cần chú ý tiêm phòng viêm gan B đối người chưa có miễn dịch với virus này. Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh.

Người viêm gan B mạn tính mà chưa có chỉ định điều trị cần theo dõi thường xuyên từ 3 đến 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có dịch vụ xét nghiệm và siêu âm gan. Người lành không dùng chung các vật dụng có nguy cơ dính máu chung với người nhiễm viêm gan B như dao cạo râu, bàn chải đánh răng. Không xăm mắt môi tại những cơ sở không đảm bảo an toàn. Trước khi kết hôn cần đi xét nghiệm nếu vợ hoặc chồng nhiễm virus viêm gan B mà người kia chưa có miễn dịch để tiêm phòng trước khi phát sinh quan hệ tình dục.

Về trường hợp của em trong gia đình có người bệnh mà ăn uống chung thì không sợ bị lây nhiễm nhé.

Thân ái.

Thạc sĩ, bác sĩ Ung Văn Việt
Khoa Ngoại Tiêu Hóa
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Rate this post