Thời tiết nắng nóng khiến trẻ mắc bệnh đường hô hấp gia
tăng. Phần lớn trẻ nhập viện đều dưới 2 tuổi, mắc các bệnh viêm tiểu phế quản,
viêm phổi, lên cơn suyễn. Tại Khoa Nhi của hầu hết các bệnh viện trong cả nước
đều chật cứng bệnh nhi. Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết, cũng phải nói đến
nguyên nhân trẻ nhập viện nhiều do sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh khi
sử dụng các thiết bị làm mát không đúng cách.
Kê thêm giường, kéo dài thời gian khám bệnh vì thời tiết
Theo BS. Phạm Mai Đằng – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh
viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, số trẻ mắc các bệnh hô hấp nhập viện tại Khoa Hô hấp
của bệnh viện cũng gia tăng trong những ngày gần đây, với 210 trẻ nằm điều trị
mỗi ngày, trong khi trước đó chỉ 180 trẻ. Tại Bệnh viện Nhi TW, BS. Trần Văn
Học – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết:
Tại Khoa Khám bệnh, những ngày nắng nóng này có khá nhiều trẻ đến khám
các bệnh hô hấp với các triệu chứng ho, khó thở, sốt cao… Trẻ thường bị viêm
tiểu phế quản, viêm phổi. Tại Cao Bằng, theo thống kê của Bệnh viện đa khoa
tỉnh, trong mấy ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh của
bệnh viện này tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân đến khám và điều trị. Nắng nóng khiến
nhiều trẻ nhập viện, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 trẻ em đến khám do bị
sốt, viêm đường hô hấp…
Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TM
|
Tại Đà Nẵng, từ giữa tháng 5 đến nay, số lượng bệnh nhi bị
bệnh đường hô hấp gia tăng đột biến so với các tháng trước. Mỗi ngày, riêng BV
Phụ sản – Nhi đã tiếp nhận hơn 500 bệnh nhi, nhiều ngày nóng cao điểm, tăng lên
650 trẻ. Hiện bệnh viện đã quá tải, nhất là Khoa Nhi và Khoa Y học nhiệt đới.
BV phải kê thêm giường bệnh, các khoa phòng đã huy động 100% cán bộ, bác sĩ,
điều dưỡng trực tiếp mở rộng các loại hình khám, chữa bệnh 24/24 giờ. BV cũng
đã tăng cường y, bác sĩ cho Khoa Khám bệnh, kéo dài thời gian khám để giải
quyết hết bệnh nhân trong ngày.
Ở An Giang, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi, BVĐK Trung tâm An
Giang tiếp nhận khám ngoại trú hơn 320 lượt bệnh nhân, trong đó có khoảng 15 –
20 trẻ phải nhập viện điều trị. Gần như sáng nào cũng vậy, Khoa Khám bệnh, BVĐK
Trung tâm An Giang cũng đông nghẹt bệnh nhi đến khám. Khoa đã bố trí nhiều ghế
ngồi đợi cho bệnh nhân và người nhà nhưng do lượng người đến khám quá đông nên
không còn đủ ghế ngồi, người ngồi, người đứng, bồng bế trẻ nhỏ la liệt… Theo
BS. Trương Thị Mỹ Tiến, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Trung tâm An Giang: Bệnh chiếm tỷ
lệ cao nhất là viêm phổi. Vấn đề đáng lo là tình trạng viêm đường hô hấp, viêm
phổi nặng, nhất là ở trẻ sơ sinh rất dễ suy hô hấp. Ngày nào cũng có 3 – 4 ca
viêm phổi nặng.
Làm mát không đúng cách
Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến trẻ nhỏ quấy khóc, nhiều
bậc phụ huynh chiều con, thường sử dụng các thiết bị, vật dụng có thể làm mát,
hạ nhiệt mà phổ biến là máy điều hòa nhiệt độ, các loại quạt, nệm nước. Việc sử
dụng các thiết bị, vật dụng nói trên trong thời điểm này là cần thiết nhưng vì
thiếu hiểu biết nên sử dụng không đúng cách đã lợi bất cập hại khiến cơ thể trẻ
không kịp thích nghi dẫn đến phát bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Theo
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ mắc bệnh
do sử dụng không hợp lý, thiết bị làm mát là không thể xem thường. Quạt máy
thường làm thay đổi quá trình trao đổi khí nên nếu để quạt một hướng cố định
liên tục vào cơ thể đang đẫm mồ hôi sẽ dễ gây cảm, còn để trong lúc ngủ rất dễ
làm cho cơ thể bị trúng gió. Quạt máy sẽ làm các mạch máu nhỏ của cơ thể co lại
và thân nhiệt giảm xuống. Nếu quạt chạy không đều và để kéo dài liên tục sẽ gây
mất cân bằng sinh nhiệt thích ứng của cơ thể, rất dễ gây chảy nước mũi, nhức
đầu; nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ… Không khí
trong môi trường phòng ngủ có gắn máy điều hòa nhiệt độ rất khô, nếu không tạo
độ thông thoáng phù hợp và để trạng thái cơ thể bị nóng, lạnh đột ngột bất
thường trong môi trường này hoặc chịu lạnh trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến
rất nhiều bất lợi cho sức khỏe,.
Trẻ nhập viện vì nắng nóng gia tăng. Ảnh: Internet
|
BS. Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi
Trung ương cho biết, việc sử dụng máy lạnh, quạt điện không đúng cách thường dễ
làm cho trẻ bị dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau
họng, đặc biệt đối với trẻ cơ địa yếu hoặc bị hen suyễn. Theo BS. Nhuận, quạt
máy luôn tạo vòng xoáy hút bụi bặm, vi khuẩn, nên nếu để thổi trực tiếp lâu dài
vào cơ thể trẻ sẽ làm cơ thể trẻ mất nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công
vùng hầu họng gây bệnh. Trẻ nằm ngủ trong phòng gắn máy điều hòa mà không bảo
đảm độ thông thoáng hoặc nằm liên tục trong thời gian dài dễ dẫn đến hiện tượng
khô người. Trong môi trường phòng máy lạnh, độ ẩm thấp, nấm mốc dễ sinh sống
cộng với lượng khí carbon làm cho trẻ bị ngợp. Các bác sĩ cũng cho biết bệnh do
thiết bị làm mát gây ra thường gặp nhất là cảm lạnh, viêm hô hấp trên, viêm phế
quản, viêm tai…
Hoàng Thùy