Chia sẻ về vấn đề người bệnh ung thư đường tiêu hóa thường ăn kiêng hoặc áp dụng các chế độ ăn theo trào lưu như chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định như gạo lứt, muối vừng, bác sĩ Mai chia sẻ rằng: Đứng trên quan điểm của nhà dinh dưỡng thì người bệnh thông thường nhất là người bệnh mắc ung thư đường tiêu hóa cần có chế độ ăn đa dạng, nếu chỉ ăn một thực phẩm nào đó thì không thể cung cấp dưỡng chất đầy đủ chống ung thư được.
Trước đó không lâu đã có thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng trên thế giới có một vài bệnh nhân ung thư không cần điều trị mà vẫn khỏi bệnh nhờ vào thải độc vitamin C liều cao từ hoa quả, như uống nước ép cam, cà rốt, nước ép dâu hay nước ép nho hàng ngày. Các chuyên gia khẳng định: “Không thể khỏi bệnh ung thư chỉ bằng cách uống nước hoa quả”. Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng trong nước hoa quả giàu vitamin C nhưng bên cạnh đó hoa quả lại nhiều chất điện giải. Nếu ăn quá nhiều hoa quả có thể gây ra rối loạn điện giải, cơ thể đi ngoài nhiều, mất nước. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mọi người chỉ cần ăn 300 gam hoa quả mỗi ngày là đủ cung cấp cho cơ thể.
Theo các chuyên gia, nhiều người bệnh ung thư quan niệm không ăn để chữa bệnh vì họ rất sợ tế bào ung thư sẽ phát triển nếu ăn nhiều. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Nhiều bệnh nhân do ăn kiêng triền miên, hạn chế ăn uống vì sợ tế bào ung thư phát triển nên tử vong do suy kiệt sức khỏe trước khi tử vong do ung thư. Rồi lại có trào lưu điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương khiến cho nhiều người bệnh ung thư áp dụng. Nhưng theo các chuyên gia phương pháp thực dưỡng Ohsawa thực chất như một hình thức ăn chay. Nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi là phương pháp điều trị ung thư là chưa đủ cơ sở khoa học và dĩ nhiên sẽ khó mang lại hiệu quả.
PGS.TS. Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Như vậy có thể nói người bệnh ung thư áp dụng chế độ ăn kiêng hoặc chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định là hoàn toàn sai lầm. Người bệnh ung thư cần ăn đầy đủ đa dạng các thực phẩm như: thịt thì cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu, rau xanh, trái cây cung cấp lượng vitamin cho cơ thể, bác sĩ Mai giải thích thêm.
Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khoẻ. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm… từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò… Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể. Riêng tinh bột nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…).
BS. Mai cho rằng, ngoài cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thì lý do người bệnh ung thư cần ăn đa dạng các thực phẩm sẽ giúp bệnh nhân tránh táo bón, ăn đủ thể tích bữa ăn, đủ tạo phân, làm sao khuôn phân đủ để kích thích nhu động ruột tống được chất thải ra ngoài, uống đủ nước để phân mềm để tống hết ra ngoài.
Chia sẻ về những thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, theo bác sĩ Mai bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa cần ăn các thực phẩm lành mạnh tốt cho hệ tiêu hóa như (cà rốt, rau xanh lá, táo..) hạn chế các đồ nướng. Giảm bớt thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng thực phẩm đậm độ năng lượng cao sẽ dẫn đến kháng insulin sẽ dẫn đến ung thư đại trực tràng.
Và điều quan trọng cần chú ý lựa chọn các thực phẩm sạch, không hóa chất tồn dư và bảo quản vì điều này cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư. BS. Mai nhấn mạnh rằng, không có thực phẩm nào tốt nhất chỉ có bữa ăn tốt là bữa ăn biết kết hợp nhiều loại thực phẩm, và nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Lê Mai ( ghi)