Mày đay hay mề đay là bệnh lý ở da với biểu hiện viêm da, dị ứng ngoài da, thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa nhưng cũng có khi không theo mùa. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, nguyên nhân do ký sinh trùng ít được quan tâm để ý hoặc khó chẩn đoán…
Có 2 loại mày đay là mày đay cấp tính và mày đay mạn tính. Nguyên nhân gây bệnh mày đay có thể là: yếu tố di truyền; do thời tiết và các yếu tố ngoài môi trường; do thức ăn, thực phẩm và thuốc; do nọc độc của một số loại côn trùng khi bị đốt; do căng thẳng cảm xúc; do nhiễm virut, vi khuẩn; do nhiễm một số loại ký sinh trùng; do cọ xát, tiếp xúc với hóa chất… Trong số các căn nguyên nêu trên, nguyên nhân do ký sinh trùng ít được quan tâm để ý hoặc khó chẩn đoán ở những đơn vị khám da liễu tuyến dưới do thiếu trang thiết bị. Tuy nhiên, nguyên nhân này khi được chẩn đoán đúng lại có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Những ký sinh trùng nào có thể gây bệnh mày đay?
Nhiều loại ký sinh trùng có thể gây mày đay như giun sán, nấm, côn trùng, một số loại đơn bào nhưng hiện nay mày đay do ký sinh trùng chủ yếu là các loại giun sán lạc chủ, đặc biệt là một số loại giun sán lạc chủ như giun đũa chó, mèo…
Tại sao người lại nhiễm giun sán lạc chủ?
Bình thường, một số loại giun sán có vật chủ chính là một số loại động vật, không ký sinh ở người. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt các loại giun sán này có thể nhiễm vào cơ thể người qua đường ăn uống hoặc chui qua da vào cơ thể.
Rửa tay trước khi ăn để phòng ngừa nhiễm giun sán.
Những thói quen nào làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán lạc chủ?
Những người trong gia đình có nuôi gia súc, gia cầm dễ có nguy cơ nhiễm giun sán lạc chủ hơn. Các gia súc, gia cầm nhiễm giun sán thải trứng hoặc ấu trùng giun sán ra ngoài môi trường quanh nơi sinh hoạt. Trứng hoặc ấu trùng giun sán có thể nhiễm vào nguồn nước, nguồn thực phẩm (rau, quả trồng) và nhiễm vào cơ thể người trong quá trình sinh hoạt. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở những người không liên quan tới nuôi gia súc, gia cầm do trong quá trình sinh hoạt đã ăn, uống phải trứng (ăn rau sống ở hàng quán hay mua ở chợ…), hoặc tiếp xúc ấu trùng của các loại giun sán này còn sống.
Tại sao giun sán lạc chủ dễ gây ban mày đay?
Đặc điểm quan trọng của giun sán lạc chủ là chúng không hoàn thiện được vòng đời ở cơ thể người. Chính vì vậy, các loại giun sán này không ở nơi ký sinh bình thường (thường là đường tiêu hóa) mà chúng nằm ở các cơ quan, phủ tạng hay tổ chức sâu của cơ thể. Khi nhiễm giun sán lạc chủ, cơ thể chúng ta có những tác động lên cơ thể giun sán chống lại chúng, quá trình này làm sản sinh ra các yếu tố viêm gây ra ban mày đay ở ngoài da.
Tại sao nhiễm giun sán lạc chủ khó chẩn đoán?
Nhiễm các loại giun sán thông thường như giun đũa, giun tóc, giun móc, sán lá gan bé… thì chỉ cần xét nghiệm phân là có thể chẩn đoán. Tuy nhiên, đối với giun sán lạc chủ, do không ở đường tiêu hóa mà nằm sâu trong cơ nên không thể xét nghiệm phân để chẩn đoán và chúng cũng không có trong máu để có thể lấy máu chẩn đoán. Việc xác định vị trí của giun sán lạc chủ trong cơ thể người bằng các kỹ thuật Xquang, CT hay siêu âm cũng rất khó khăn vì chúng quá nhỏ bé để có thể nhìn thấy.
Chẩn đoán giun sán lạc chủ bằng cách nào?
Khi nhiễm giun sán lạc chủ, cơ thể con người đã sinh ra các kháng thể để chống lại các loại giun sán này. Khoa học hiện đại đã chế tạo ra các công cụ chẩn đoán miễn dịch giúp xác định trong máu người có các kháng thể kháng giun sán này, nhờ đó gián tiếp phát hiện được nhiễm giun sán lạc chủ. Phương pháp này gọi là xét nghiệm miễn dịch (ELISA) hoặc các kỹ thuật miễn dịch khác.
Điều trị ban mày đay do giun sán lạc chủ thể nào?
Việc điều trị ban mày đay do giun sán lạc chủ cần theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ. Thuốc diệt ấu trùng giun sán lạc chủ trong cơ thể và thuốc chống dị ứng thường được kết hợp trong điều trị. Do cơ thể của ấu trùng giun sán lạc chủ tồn tại rất lâu dài trong cơ thể dù đã bị tiêu diệt nên sự xuất hiện ban mày đay có thể còn kéo dài sau điều trị. Bệnh nhân cần biết điều này để không nóng vội đi tìm điều trị ở nơi khác hoặc điều trị với một nguyên nhân khác, thuốc khác.
BS. Thịnh Vĩnh An