(Nguyệt Hồng – Đồng Tháp)
Bệnh Graves với nhiều tên gọi khác nhau như bệnh Basedow, bệnh Parry, bướu giáp độc lan tỏa, bệnh cường giáp tự miễn. Đây là một bệnh tự miễn thường ảnh hưởng đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên gấp 2 lần hoặc nhiều hơn, gây cường giáp làm tăng năng tuyến giáp, khiến tuyến giáp hoạt động quá mức.
Đến nay các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng sự tăng tiết hoóc-môn tuyến giáp T3 và T4 được cho là do rối loạn miễn dịch, gây kích thích bất thường tuyến giáp. Hệ miễn dịch hoạt động bất thường quay trở lại tấn công ngược lạicác mô trong cơ thể và dẫn đến tuyến giáp hoạt động bất thường. Chính sự hoạt động bất thường của cơ quan này làm cho hoóc-môn tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường.
Các triệu chứng của bệnh hầu hết là kết quả của sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cường giáp, với trường hợp ngoại lệ bệnh mắt do Graves, bướu cổ, và phù niêm trước xương chày. Các triệu chứng của cường giáp chủ yếu là mất ngủ, run tay, hiếu động thái quá, rụng tóc, mồ hôi ra nhiều, ngứa, sợ nóng, giảm cân mặc dù tăng sự thèm ăn, tiêu chảy, đại tiện thường xuyên, đánh trống ngực, yếu cơ, da ấm và ẩm. Hơn nữa dấu hiệu có thể được nhìn thấy trên khám lâm sàng thường là thấy tuyến giáp lan rộng, thường là đối xứng và cứng, mi mắt chậm chạp, chảy nước mắt nhiều do bệnh mắt Graves, rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như tim nhịp nhanh xoang, rung tâm nhĩ,ngoại tâm thu thất vàcao huyết áp. Những người bị cường giáp có thể bị thay đổi hành vi và nhân cách, bao gồm như rối loạn tâm thần, hưng cảm, lo âu, kích động vàtrầm cảm; triệu chứng run tay, mắt lồi nếu phát hiện thường là bệnh đi vào giai đoạn đã muộn.
Hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị, bao gồm điều trị nội khoa, điều trị bằng phóng xạ và điều trị ngoại khoa. Tất cả các phương pháp trên đều được bác sĩ tư vấn và chỉ định, nhất là phương pháp dùng thuốc, người bệnh không tự ý mua thuốc để dùng.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG