Bệnh GERD là bệnh gì?

(Thái An Tuấn – Cần Thơ)

GERD là tên viết tắt của cụm tiếng Anh, Gastroesophageal Reflux Disease, theo thuật ngữ y khoa Việt Nam là bệnh trào ngược dạ dày –  thực quản.

Về nguyên nhân, GERD là do trào ngược axít thường xuyên, axít dạ dày hoặc mật vào thực quản, ở đều kiện sinh lý bình thường, khi mỗi người trong chúng ta ăn uống thì nuốt thức ăn hay nước vào bao tử, lúc này các cơ vòng thực quản dưới mở ra, để cho phép thực phẩm và chất lỏng đi xuống dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại. Tuy nhiên, vì lý do nào đó khiến van này không đóng kín một cách bất thường hoặc suy yếu, khiến axít từ dạ dày có thể chảy ngược lại vào trong thực quản, gây ra bệnh GERD. Theo các nhà y học, bệnh GERD thường gặp người có thói quen uống rượu – bia, thuốc lá; ăn thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, chocola; người có cơ địa bệnh béo phì, thoát vị hoành, phụ nữ mang thai, bệnh nhân hen suyễn, bệnh nhân đáy tháo đường, người có cơ địa chậm tiêu hóa của dạ dày, người bệnh rối loạn mô liên kết như xơ cứng bì hay hội chứng Zollinger – Ellison… Bệnh này cũng gặp ở trẻ em và kể cả trẻ sơ sinh.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng thường gặp như cảm giác nóng trong lồng ngực còn gọi là ợ nóng, đôi khi lan sang cổ họng, cùng với hương vị chua trong miệng, đau ngực, khó nuốt, ho khan, khan tiếng hay đau họng, nôn thức ăn hoặc dịch chua lỏng, có cảm giác như có khối u trong cổ họng; cảm giác thức ăn đang bị kẹt lại trong thực quản, khó nuốt hoặc hay bị nấc cụt.

Để điều trị hiệu quả, trước mắt cần thay đổi cách sống hàng ngày như chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, hạn chế các thực phẩm mang tính chua và béo. Sau giai đoạn điều chỉnh mà vẫn chưa hiệu quả thì dùng các thuốc có tính chất trung hòa dịch vị như Gaviscon, uống mỗi gói sau mỗi bữa ăn và một gói trước khi đi ngủ. Nếu vẫn chưa hiệu quả thì nhất thiết phải dùng thuốc ức chế tiết axít dạ dày, như  thuốc ức chế thụ thể H2 như Ranitidine hay Famotidine các thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hoặc ức chế sự tiết acid dạ dày. Hoặc thuốc ức chế bơn proton – PPIs như Omeprazole, thuốc cũng có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid và có tính hiệu quả cao hơn thuốc ức chế thụ thể H2 và một số thuốc kháng axít khác. Nên nhớ rằng các thuốc này nhất thiết phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Rate this post