Theo y học cổ truyền, thận ứ nước chưa có tên gọi nhưng theo dấu hiệu lâm sàng, bệnh được chia 3 thể: huyết ứ, thấp nhiệt, thận hư nên phương pháp trị là hoạt huyết, hóa ứ, trừ thấp, bổ thận. Tuy nhiên tuỳ thể bệnh mà gia giảm cho thích hợp.
Nếu huyết ứ
Biểu hiện: đau tức lưng cố định, tiểu khó, lưỡi tím… Dùng bài Huyết phủ trục ứ thang gia giảm, gồm: sài hồ 12g, chỉ xác 10g, ngưu tất 12g, cam thảo 8g, đương quy 10g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, hương phụ 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 8g, xa tiền tử 12g, tỳ giải 10g, ích trí nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu thấp nhiệt
Biểu hiện: tiểu buốt, sốt, người nặng nề, mệt mỏi… đó là có nhiễm trùng tiểu. Dùng bài Tỳ giải phân thanh ẩm gia giảm gồm: tỳ giải 14g, thạch xương bồ 12g, ích trí nhân 10g, ô dược 12g, ngưu tất 12g, xa tiền 12g, kim tiền thảo 40g, thổ phục linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Hình ảnh thận ứ nước.
Nếu thận hư (tùy thận âm hay dương hư).
Biểu hiện: đau âm ỉ lưng, kéo dài, cơ thể suy nhược… Dùng bài Lục vị gia giảm, gồm: thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 10g, trạch tả 12g, bạch linh 10g, đơn bì 10g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngoài ra, theo cách chữa dân gian, có thể dùng một số vị thuốc Nam sắc uống cũng mang lại hiệu quả tốt. Bài thuốc thường dùng gồm: kim tiền thảo 100g, râu mèo 20g, lá đại bi 15g, tất cả dạng khô, sắc uống ngày 1 thang, uống sáng chiều liên tục 5-7 ngày. Hoặc cho vào nồi nấu với 3 lít nước sôi 15 phút, để nguội thay nước uống trong ngày.
BS. Đỗ Minh Hiền