Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hoá là một triệu chứng thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Đông y miêu tả trong phạm vi chứng tiết tả. Nguyên nhân chủ yếu do lạnh (hàn thấp) và do ăn uống không hợp lý, thiếu vệ sinh (thực tích). Người có triệu chứng đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, phân thối, ợ hơi, bụng rắn, không thích sờ nắn, không muốn ăn; mạch huyền sác hay trầm huyền. Cách điều trị là tiêu thực đạo trệ (tiêu hóa đồ ăn).

Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1. Bảo hòa hoàn: thần khúc 12g, sơn tra 12g, phục linh 12g, bán hạ 12g, trần bì 8g, liên kiều 8g, la bạc tử (sao vàng) 10g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột uống 20g/ngày.

Bài 2. Viên chính khí chữa tiêu chảy: trần bì (sao nước gừng) 80g, hoắc hương 80g, nam mộc hương 80g, hậu phác (gừng sao) 80g, hồi hương 80g, binh lang 80g, thảo quả (bỏ vỏ) 80g, hương phụ 80g, thương truật 80g, hoàng nàn 40g. Hoàng nàn ngâm nước gạo 2 ngày 2 đêm; ngày thay nước 2 lần; cạo bỏ vỏ vàng ở ngoài thật sạch; phơi khô, sao lại. Các vị tán nhỏ, rây; làm viên hồ hoàn, viên bằng hạt ngô. Công dụng: ôn vị tiêu khí, điều hòa tỳ vị; chữa đau bụng, tiêu chảy; nhất là trong mùa hè. Liều lượng: Trẻ em uống 2 – 5 viên, tùy theo tuổi. Người lớn uống 8 – 12g. Uống 2 – 3 lần trong ngày.

Sơn tra là vị thuốc trong bài “Bảo hòa hoàn” trị tiêu chảy do ăn uống.

Sơn tra là vị thuốc trong bài “Bảo hòa hoàn” trị tiêu chảy do ăn uống.

Bài 3: hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa đại 12g, vỏ bưởi (đốt cháy) 6g. Tán thành bột mịn. Dùng trước bữa ăn. Uống với nước nóng, ngày 3 lần, mỗi lần 2g. Công dụng: ăn uống không tiêu, hay sôi bụng.

Bài 4. Chỉ thực tiêu đạo: chỉ thực 8g, bạch truật 12g, phục linh 6g, hoàng cầm 8g, hoàng liên 8g, trạch tả 8g, thần khúc 8g, đại hoàng 6g. Sắc uống trong ngày hoặc tán bột làm viên, ngày uống 20g.

Bài 5. Viên hương phác: hoắc hương khô 20g, hậu phác 40g, vỏ rụt 40g, thảo quả bỏ vỏ 16g, hạt cau rừng 16g, trần bì 16g. Vỏ rụt ngâm với nước gạo, cạo bỏ vỏ ngoài; hậu phác tẩm gừng sao; thảo quả bỏ vỏ phơi hay sấy khô. Tán thành bột mịn, viên thành viên bằng hạt đậu đen. Liều dùng: 2 – 5 tuổi uống 3 – 5 viên; 6 – 10 tuổi uống 6 – 10 viên; 10 – 15 tuổi uống 15 viên. Người lớn uống 20 – 30 viên. Chia uống 3 lần trong ngày, uống với nước đun sôi để nguội.

Bài 6: hoắc hương 20g, hương phụ chế 15g, sa nhân 10g, hậu phác 12g, thảo quả 10g, đại phúc bì 12g, nam mộc hương 10g. Sắc uống. Dùng cho người ăn no quá (bội thực), đau bụng, tiêu chảy, ợ chua. Kiêng ăn các chất tanh, lạnh. Phụ nữ có thai không dùng.

Bài 7: hương phụ 32g, vỏ bưởi 24g, mẫu lệ (nung kỹ) 20g, nam mộc hương 24g. Sắc uống hay làm viên dùng dần. Chữa ợ hăng, hay đại tiện lỏng.

Châm cứu: Kết hợp châm cứu (châm tả) hoặc xoa bóp các huyệt thiên khu, trung quản, hợp cốc, nội quan, túc tam lý, nội đình.

Huyệt hợp cốc

Vị trí huyệt

Thiên khu: từ rốn đo ngang ra 2 bên, mỗi bên khoảng 2 tấc.

Trung quản: từ rốn đo thẳng lên 4 tấc, hoặc ở điểm giữa đoạn thẳng nối rốn và đường gặp nhau của hai bờ sườn.

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Nội quan: trên cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.

Túc tam lý: úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó hơi xịch ra phía ngoài một ít là huyệt.

Nội đình: nơi nối thân với đầu sau xương đốt 1 của ngón chân thứ 2, giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3.

 

 

Lương y Thảo Nguyên

Rate this post