Bạch quả còn có tên bạch quả nhân, ngân hạnh nhân…, là hạt chín già của cây bạch quả (Ginkgo biloba L.), thuộc họ bạch quả (Ginkgoaceae). Bạch quả có carbohydrate, lipid, protein, acid, ginkgenic… Lá cây bạch quả có flavonoid, tritecpenid…; dùng cho người rối loạn trí nhớ, làm tăng tuần hoàn não, tăng độ bền thành mạch… Chất chiết từ lá cây bạch quả được bào chế thành thuốc được nhiều người tin dùng.
Theo Đông y, bạch quả vị ngọt, đắng, sáp, tính bình, có ít độc; vào phế. Có tác dụng liễm phế khí, chỉ suyễn khái, thu súc tiểu tiện, chỉ bạch đái lâm trọc. Dùng cho người hen suyễn, lao phổi, di tinh di niệu, khí hư bạch đái. Bạch quả thuộc nhóm chữa ho, cắt cơn hen suyễn. Ngày dùng 4 – 12g bằng cách ăn sống, nướng rang, sắc hãm, nấu hầm.
Thịt lợn hầm bạch quả, sa sâm tốt cho người viêm họng hạt, viêm mũi họng dị ứng, ung thư vùng mũi họng.
Bổ phổi, dịu hen: Chữa viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, ho nhiều đờm. Dùng bài thuốc cắt cơn hen suyễn: bạch quả (đập vỡ) 16g, khoản đông hoa 12g, bán hạ chế 12g, ma hoàng 8g, hoàng cầm 8g, vỏ rễ dâu 12g, tô tử 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống.
Chữa khí hư, bạch đới: Chữa bạch đới lâu ngày không dứt, đái dắt luôn luôn, di tinh… do khí hư (sức lực suy yếu). Bài thuốc: đậu ván trắng 63g, bạch quả 12g, lõi thân và cành hướng dương 16g. Sắc lấy nước, thêm ít đường đỏ vào để uống.
Món ăn thuốc có bạch quả:
Chữa bạch đới: bạch quả 1 hạt đã nghiền vụn, lấy 1 quả trứng gà dùi một lỗ nhỏ, nhồi thuốc vào, đem hấp cơm cho chín rồi ăn.
Chữa mộng tinh: bạch quả 3 hạt, đồ chín bằng hơi rượu rồi ăn. Ngày làm 1 lần, ăn liền 4 – 7 ngày.
Chữa lao phổi: bạch quả thu hoạch vào mùa thu, ngâm vào trong dầu thảo mộc 100 ngày. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần 1 quả, ăn liên tục 1 – 3 tháng..
Cây bạch quả và vị thuốc bạch quả (hạt chín già của cây bạch quả).
Cháo bạch quả liên nhục: bạch quả 6g, liên nhục 15g, gạo tẻ 50g, gà giò 1 con (làm sạch bỏ ruột). Đem bạch quả, liên nhục tán bột cho trong bụng gà khâu lại, đặt trong nồi, cho gạo và nước, hầm nhỏ lửa cho chín, thêm mắm muối gia vị. Chia ăn trong ngày, tuần 1 – 2 lần. Dùng cho phụ nữ sa tử cung, khí hư bạch đới.
Gà hầm bạch quả ý dĩ nhân: gà sống 1 con (khoảng 1.000g), bạch quả 12g, ý dĩ nhân 20g, bạch biển đậu 20g. Gà làm sạch, cho dược liệu vào bụng gà buộc lại, thêm bột tiêu gia vị và nước. Hầm chín nhừ. Ăn làm 2 lần trong ngày, liên tục 4 – 5 ngày. Dùng cho phụ nữ bị khí hư bạch đới.
Gà hầm hạt sen bạch quả: thịt gà 100g, rượu trắng 30ml, hạt sen (bỏ tâm) 10g, bạch quả nhân 10g, thêm nước, hầm nhỏ lửa, thêm gia vị mắm muối. Chia ăn 1 – 2 lần trong ngày. Dùng cho phụ nữ cơ thể suy nhược, khí hư bạch đới.
Si-rô bạch quả ý dĩ nhân: bạch quả 6g, ý dĩ nhân 30g, đường phèn 15g. Bạch quả, ý dĩ nấu chín nhừ, cho đường phèn vào khuấy cho tan đều. Chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng cho người viêm đường tiết niệu cấp, sốt, tiểu rắt, buốt, nước tiểu đục.
Thịt lợn hầm bạch quả sa sâm: bạch quả (bỏ mầm hạt) 15g, ngọc trúc 15g, mạch môn đông 9g, bắc sa sâm 15g, hạnh nhân 15g, thịt lợn nạc 60g, gia vị liều lượng thích hợp. Ngọc trúc, mạch đông, sa sâm sắc lấy nước, bỏ bã; nước nấu với hạnh nhân, bạch quả và thịt lợn; 2 – 3 ngày ăn một lần. Dùng cho người viêm họng hạt, viêm mũi họng dị ứng, ung thư vùng mũi họng.
Si-rô bạch quả mật ong: bạch quả 10 hạt bóc bỏ vỏ cứng, thêm nước nấu chín, thêm mật ong khuấy đều. Ăn mỗi tối 1 lần. Dùng cho người hen phế quản, lao phổi có ho suyễn.
Kiêng kỵ: Không nên dùng nhiều 1 lần đề phòng ngộ độc; đặc biệt là trẻ em. Người bị ngộ độc bạch quả có thể thấy các triệu chứng: nhức đầu, phát sốt, co rút gân, bứt rứt khó chịu, nôn mửa, khó thở…, phải lấy ngay 125g cam thảo hoặc 63g vỏ quả bạch quả sắc uống để giải độc.
TS. Nguyễn Đức Quang