Bạch quả (Ginkgo biloba) là loài duy nhất còn sống sót của các chi Ginkgo, một loại hóa thạch sống còn sống. Các cây Bạch quả ngày nay gần giống với tổ tiên cổ xưa của nó.
Các nhà khảo cổ học cho rằng cây Bạch quả có nguồn gốc ở các thung lũng núi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, họ có những tranh luận rằng nó thực sự hoang dã hoặc những tàn tích của những cây trồng xung quanh nhà ở và tu viện của các nhà Phật giáo thế kỷ XI, cây Bạch quả được tôn kính như một loài cây linh thiêng.
Theo Đông y, hạt cây Bạch quả còn có tên là Ngân Hạnh, nó được dùng từ rất lâu đời trong nền y học cổ truyền phương Đông. Có vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng ôn phế ích khí (sắc trắng thuộc kim, vào phế), có tác dụng liễm suyễn thấu (ho hen), súc tiểu tiện, chỉ đới trọc. Nếu dùng sống thì có tác dụng trừ đàm, giải độc rượu, tiêu độc sát trùng (hoa Bạch quả nở vào ban đêm, thuộc âm, có độc tính nhẹ nên có tính tiêu độc sát trùng).
Cây Bạch quả
Việc sử dụng lá Bạch quả được ghi chép lần đầu trong Điển niên bản thảo Vân Nam, xuất bản năm 1436. Khi đó, lá Bạch quả được sử dụng bên ngoài để điều trị vết loét, dùng bên trong để điều trị tiêu chảy, và dùng như một loại thuốc bổ cho tim, phổi.
Trong những năm 1700 Bạch quả (Ginkgo biloba) đã được biết đến ở châu Âu, và khoảng 60 năm sau đó là ở Bắc Mỹ. Bạch quả được dùng làm thuốc chữa bệnh ở phương Tây từ những năm 1900, khi chiết xuất từ lá có tác dụng cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, đặc biệt là các mạch máu não và tứ chi. Hiện nay, ở Mỹ và châu Âu, các chế phẩm có thành phần cao lá Bạch quả hiện nay là một trong những loại thuốc thảo dược bán chạy nhất.
Ngày nay, Bạch quả được sử dụng phổ biến nhằm điều trị bệnh sa sút trí tuệ, do thiểu năng tuần hoàn máu não. Nó giúp cải thiện sự suy nghĩ, nhận thức và trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer. Các bác sĩ cũng dùng Bạch quả để điều trị các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa điểm vàng, hội chứng tiền đình, ù tai, trầm cảm, lo âu, căng thẳng, viêm tắc mạch máu chi, hội chứng Raynaud.
Trong lá Bạch quả có chứa các Terpenoid, Flavonoid và một số thành phần khác như Catechin, các hợp chất Phenol, các Polysaccharid, các Sterol, tinh dầu, Brom, sáp… Trong thịt quả có chứa các Acid phenol có độc tính, hạt chứa nhiều dầu béo.
Bạch quả
Tác dụng dược lý của Bạch quả như sau:
Cải thiện tuần hoàn máu não và tuần hoàn ngoại biên.
Cải thiện chức năng tiền đình và thính giác.
Đối kháng với các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu.
Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do.
Chống viêm tại chỗ.
Giảm co thắt cơ trơn, giảm đau trên các cơn đau quặn.
Ức chế một số vi khuẩn.
Cách sử dụng:
Trà: Cho 1 muỗng cà phê lá Bạch quả trong 100ml nước sôi hãm trong vòng 5 – 7 phút. Uống 1 – 2 ly mỗi ngày sẽ giúp chống căng thẳng, stress.
Dạng thuốc chiết xuất: Hầu hết các nghiên cứu đã được tiến hành cho rằng dùng liều 120 mg/ngày chia hai lần chất chiết xuất chuẩn hóa đến 24 – 27% Glycosides flavone và khoảng 6 – 7% Triterpenes, đối với bệnh viêm tắc động mạch ngoại biên có thể dùng liều 120 – 160mg/ngày. Thời gian dùng thuốc từ 4 – 12 tuần tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Lá Bạch quả và chiết xuất từ lá Bạch quả được xem là an toàn, được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn và được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên nó có thể có tác động lên quá trình đông máu. Những bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chế phẩm từ lá Bạch quả. Ngưng dùng Bạch quả ít nhất 3 ngày trước khi phẫu thuật. Không nên sử dụng cho phụ nữ có thai vì tăng nguy cơ gây xuất huyết, sảy thai.
Tiến sỹ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang