Truy tìm “thủ phạm”
Thông thường, trong suốt quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu bởi ruột non, đưa vào máu và đến các mô, cơ và các cơ quan để hỗ trợ thực hiện các chức năng duy trì sự sống, xây dựng và phát triển cơ thể. Hội chứng kém hấp thu là tình trạng khi chúng ta tiếp nhận thức ăn và chất dinh dưỡng nhưng cơ thể và đường ruột không hấp thu được. Kém hấp thu không phải là một bệnh lý riêng biệt mà có thể là hậu quả của rất nhiều tình trạng khác nhau. Vì vậy, phần lớn người bệnh không thể xác định nguyên nhân của hội chứng này.
Nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu có thể do: Sự tổn thương niêm mạc ruột do nhiễm trùng hoặc sự giảm bề mặt hấp thu bẩm sinh, các dị tật bẩm sinh như hẹp đường mật. Mắc một số bệnh như tuyến tụy suy yếu hay bị lao đường ruột, bệnh viêm ruột, viêm tụy mạn tính, bệnh xơ nang. Sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài hoặc phẫu thuật, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Do thiếu hụt enzym, không bổ sung đầy đủ chất lactase, enteropeptidase, disaccharidase. Nhiễm một số kí sinh trùng gây bệnh như giun đũa, giun móc, Giardia lamblia. Dị ứng thức ăn. Rối loạn dung nạp lactose. Một số bệnh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa như bệnh đái tháo đường, cường tuyến cận giáp, tuyến yên. Ảnh hưởng của các điều trị tiến hành trên ruột: xạ trị, phẫu thuật cắt ngắn đoạn ruột…
Các biểu hiện của hội chứng kém hấp thu
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng kém hấp thu là tiêu chảy (có thể không xảy ra ở tất cả các trường hợp). Các triệu chứng tiêu hóa thường gặp khác bao gồm: táo bón, đầy bụng, khó tiêu hoặc thay đổi tính chất phân (phân nhạt màu, phân mỡ, phân sống…). Bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể, biểu hiện bởi sự suy giảm trạng thái tâm thần (trầm cảm, giảm khả năng tập trung…); yếu cơ hoặc tình trạng chuột rút; da khô, dễ xuất hiện các vết bầm tím do xuất huyết; tóc khô, dễ gãy rụng hoặc tình trạng suy giảm thị lực, nhất là vào ban đêm. Không những vậy, người mắc hội chứng kém hấp thu thường dễ mệt mỏi, sụt cân hoặc chậm phát triển thể chất vì tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Người mắc hội chứng kém hấp thu thường dễ mệt mỏi sụt cân do thiếu hụt dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Đối với trẻ nhỏ, cần nghĩ đến hội chứng kém hấp thu qua hiện tượng không dung nạp sữa. Đây là tình trạng bé có phản ứng bất lợi với thành phần dưỡng chất của sữa, gồm không hấp thụ đường lactose do thiếu men lactase và dị ứng đạm sữa. Hội chứng kém hấp thu có thể còn do khẩu phần ăn không cân đối, do rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột hoặc do trẻ không đủ các enzyme tiêu hóa, khiến việc chuyển hóa thức ăn trở nên kém. Đặc biệt trẻ ở độ tuổi ăn dặm, do sự thay đổi chế độ ăn đột ngột khi bắt đầu chuyển từ ăn sữa sang thức ăn khác sữa, trẻ dễ rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy, phân sống…)
Quá trình kém hấp thu không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, mà còn tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sự suy giảm các vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm trẻ chậm phát triển tinh thần và thể chất, nguy cơ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.
Một số biến chứng nguy hiểm của hội chứng kém hấp thu
Khi gặp phải hội chứng kém hấp thu, nếu không nhanh chóng tìm cách giải quyết thì sẽ gây ra một số biến chứng như: Một vài trường hợp sẽ bị tiêu chảy thường xuyên dẫn đến sụt cân, mất nước. Tình trạng này rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng tính mạng. Thiếu các loại vitamin cần thiết cho cơ thể lâu ngày dẫn đến thiếu máu, giảm trí nhớ và chân tay bị tê bì. Khi cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các bộ phận khác của cơ thể như bộ não, tim, máu, cơ, da, thận. Cản trở sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể. Đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng rất nhạy cảm với hội chứng này.
Lựa chọn điều trị cho hội chứng kém hấp thu
Thay thế các chất dinh dưỡng và nước không được hấp thu là bước đầu tiên trong việc điều trị hội chứng kém hấp thu. Các phương pháp điều trị cụ thể khác sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, nếu không dung nạp lactose, thì nên tránh uống sữa và ăn các sản phẩm làm từ sữa hoặc nên uống bổ sung lactase. Trong những trường hợp kém hấp thu nghiêm trọng thì có thể sẽ phải nhập viện.
Người bệnh mắc hội chứng kém hấp thu, nên hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng đã nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Bệnh nhân có thể phải uống bổ sung enzyme để giúp cơ thể hấp thu được những chất dinh dưỡng bị thiếu. Chế độ ăn cần phải điều chỉnh lại. Người bệnh cũng sẽ được kiểm soát các triệu chứng mất nước (như chóng mặt, suy nhược, khát nước, tiểu ít, khô miêng, khô da hoăc lưỡi).
Chế độ ăn khắc phục hội chứng kém hấp thu
Các giải pháp về chế độ ăn là cách điều trị tốt nhất để khắc phục hội chứng kém hấp thu. Người bệnh nên uống nhiều nước lọc hoặc bổ sung thêm nước trái cây, trà thảo dược, ăn nhiều canh trong các bữa ăn để giúp hạn chế thức ăn còn tồn đọng lại ở trong dạ dày. Nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất carbohydrate phức, những thực phẩm được kể đến như gạo, mì ống, bột mì, bột yến mạch. Ăn nhiều trái cây tươi để bổ sung thêm khoáng chất và vitamin, đặc biệt là quả đu đủ chín. Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo như thịt mỡ, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên rán, bơ, socola. Tuyệt đối không nên ăn các sản phẩm chế biến sẵn, vì những thức ăn này chứa nhiều chất bảo quản độc hại. Một số thức ăn như thịt xông khói, đồ hộp, sữa, thực phẩm chứa caffeine. Nên chia nhỏ và ăn nhiều bữa trong ngày. Đối với người khó hấp thu chất dinh dưỡng không nên ăn quá nhiều vào một lúc. Điều này nhằm để tránh giảm nhu động ruột, gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của ruột. Sử dụng một số thảo dược như gừng để làm tăng hấp thu dưỡng chất dễ dàng hơn.
BS. HỒNG ANH