Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, trước khi có bão, lũ cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bão, lũ cao cần có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế. Về phía cơ quan y tế chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm, không để lan rộng.
Cần rửa rau sạch nhiều lần trước vòi nước.
Trong khi bão, lũ xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Chủ động bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Sau khi bão, lũ rút, chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh giếng nước, công trình công cộng bị ô nhiễm, chủ động bổ sung vitamin và rau xanh vào khẩu phần ăn. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng.
Bên cạnh đó, để phòng chống dịch bệnh sau bão lụt, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
(Theo Cục An toàn thực phẩm)