Ai dễ mắc bệnh mạch vành?

Người có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành

Bệnh lý động mạch vành  này do sự lắng đọng các chất béo như cholesterol, nó nằm dọc thành mạch được gọi mảng xơ vữa. Điều này có nghĩa rằng có sự hẹp của thành mạch gây ra do sự dầy lên do lắng đọng các chất béo, thậm chí có thể gây tắc mạch. Do động mạch vành cung cấp máu giàu ôxy cho cơ tim nên khi sự tắc nghẽn không được điều trị có thể rất nguy hiểm, dẫn tới nhồi máu cơ tim hay thậm chí tử vong. Có rất nhiều các nguyên nhân có thể gây hẹp hay tắc một hay nhiều các động mạch vành trong đó kể đến các yếu tố nguy cơ như: Tuổi cao (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi), nam nguy cơ bị nhiều hơn nữ, yếu tố gia đình, hút thuốc lá, béo phì, lười vận động, tăng huyết áp, đái tháo đuờng, rối loạn mỡ máu, stress…

Dấu hiệu nhận biết

Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có 1 cái gì đó khó chịu trong lồng ngực. Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, ít trường hợp lan ra sau lưng hay vùng cột sống. Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10-30 giây hay 1 vài phút; nếu cơn đau kéo dài hơn 15 phút là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

Bệnh bao gồm 3 dạng bệnh lý như:

Đau thắt ngực ổn định: Là tình trạng không có những diễn biến nặng lên trong vòng vài tuần gần đây. Tình trạng lâm sàng thường ổn định, cơn đau thắt ngực ngắn, xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ.

Đau thắt ngực là dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh mạch vành.

Đau thắt ngực không ổn định: Là tình trạng bất ổn về lâm sàng, cơn đau thắt ngực xuất hiện nhiều và dài hơn, xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc ổn định lại để thành đau thắt ngực ổn định. Triệu chứng đau thắt ngực là khi bệnh nhân có cảm giác như bị đè chẹn vào chính giữa ngực, cơn đau thắt ngực sẽ lan lên cằm và hai vai của bệnh nhân, bệnh nhân dễ hoảng sợ vã mồ hôi…Tuy nhiên, đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu ở vùng ngực.

Nhồi máu cơ tim: Là tình trạng bị tắc hoàn toàn động mạch vành một cách nhanh chóng gây hoại tử vùng cơ tim phía sau phần nuôi dưỡng của đoạn động mạch vành bị tắc. Về cơ chế gây nhồi máu cơ tim cũng giống phần nào so với cơn đau thắt ngực không ổn định là do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bịt tắc hoàn toàn động mạch vành.

Phòng ngừa bệnh động mạch vành

Một lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành. Các biện pháp thay đổi lối sống giúp phòng ngừa là giải pháp lâu dài, và hữu hiệu nhất vẫn là sự thay đổi các thói quen không tốt cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hãy kiểm soát hoạt động thể lực, các thói quen ăn uống không có lợi cho sức khoẻ, hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc, kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo để có cuộc sống dễ chịu hơn và khoẻ mạnh hơn, cụ thể:

Xây dựng một lối sống thanh thản, vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức, nhất là tình trạng stress; thực hiện chế độ sinh hoạt, làm việc điều độ, sắp xếp công việc hợp lý. Người mắc bệnh động mạch vành thường được khuyên không hút thuốc, không ăn mặn và không ăn quá nhiều chất bột đường.

Thực phẩm tốt cho người có nguy cơ cao bệnh mạch vành.

Cần có một chế độ ăn uống phù hợp, thành phần dinh dưỡng chủ yếu của người bệnh tim mạch bao gồm các loại ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt và rau quả. Nên ăn nhiều các loại rau quả, nhất là các loại rau lá màu xanh đậm, màu vàng và màu đỏ.  Những loại rau quả có nhiều sinh tố và nhiều chất chống ôxy hoá khác nhất là các sinh tố C, E, A, B2, B6, acid folic… Điều đáng lưu ý, để cân đối trong chế độ ăn, bằng cách giảm hẳn thịt động vật có màu đỏ (thịt bò, trâu, thịt động vật hoang dã) thay vào đó là thịt có màu trắng (thịt gà, ngan, cá). Không ăn mỡ động vật gây nên tăng cholesterol có hại cho cơ thể, nên sử dụng dầu thực vật.

Không uống nhiều rượu, bia và những chất kích thích khác.  Hàng ngày, cần tập thể dục, vận động vừa với sức khoẻ, đối với bệnh tim mạch, tập đều đặn tốt hơn là tập với cường độ cao. Đơn giản nhất là đi bộ 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối ít nhất 5 lần mỗi tuần. Đi bộ trên máy, chạy bộ hoặc đi ngoài trời đều có hiệu quả. Đồng thời cần phát hiện và điều trị những bệnh liên quan đến bệnh động mạch vành như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì – thừa cân. Ngoài ra, nên thực hiện những bài tập thư giãn, dưỡng sinh mỗi lần từ 15 đến 20 phút, 1-2 lần mỗi ngày để giúp tạo ra những đáp ứng thư giãn và giữ được tinh thần lạc quan và sự tự tin…

Thực hành tốt những điều này không chỉ có thể phòng ngừa và điều trị cơn đau thắt ngực mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời vì dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim. Người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng cần hạn chế lao động chân tay và trí óc, tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang…, tránh lạnh, tránh gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguyên nhân xuất hiện cơn đau, hạn chế cà phê đặc và nước chè đặc vì dễ mất ngủ.

 

BS. Đức Hùng

Rate this post