Xoa xát phòng chống táo bón cho trẻ

Hoặc ở trẻ còn bú, người mẹ ăn quá nhiều chất cay nóng truyền qua sữa làm cho tỳ vị của trẻ bị tích nhiệt, gây hao tổn tân dịch cũng dễ tạo nên chứng táo kết.

Ở những trẻ lớn hơn 2 tuổi, táo bón có thể do khí cơ bị uất trệ khiến công năng tiêu hóa, thông giáng, đào thải thất thường, cặn bã tích lại gây nên.

Theo y học cổ truyền, ở trẻ nhỏ “tỳ thường bất túc”, nghĩa là hệ thống tiêu hóa, hấp thụ thức ăn và đào thải các chất cặn bã còn non nớt, dễ bị tổn thương, lâu ngày dẫn đến tình trạng khí hư, huyết kém. Khí hư thì sức co bóp của ruột bị suy giảm, huyết hư thì đại tràng không được nhu nhuận, từ đó dẫn đến chứng táo kết. Những trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển… đều thuộc vào loại này.

Xoa bụng giúp chữa táo bón cho trẻ.

Xoa bụng giúp chữa táo bón cho trẻ.

Phòng chống táo bón cho trẻ thế nào?

Biện pháp đầu tiên đơn giản và quan trọng mà bất cứ bà mẹ nào cũng có thể thực hiện được là điều chỉnh lại chế độ ăn của trẻ cho phù hợp trên nguyên tắc đảm bảo đủ nước, giảm bớt hoặc loại bỏ các chất cay nóng, lập lại cân bằng âm dương trong ăn uống theo quan điểm của y học cổ truyền. Hết sức trọng dụng các đồ ăn, thức uống có nguồn gốc thiên nhiên, giàu chất dinh dưỡng, vitamin và đủ chất xơ, đặc biệt là các loại rau quả có tính nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, chuối, cam, đu đủ, thanh long.

Thêm nữa, mỗi ngày 2 lần nên thực hành kiên trì và đều đặn các thao tác xoa bóp cho trẻ theo quy trình cụ thể như sau:

Xoa bụng: dùng đầu ngón tay trỏ, giữa và nhẫn xoa bụng trẻ nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ chừng 30 – 50 vòng.

Xát xương cụt: dùng hai ngón tay xát nhẹ vùng xương cụt theo chiều lên xuống chừng 2 – 3 phút, sao cho tại chỗ nóng lên là được.

Xoa lòng bàn tay: dùng ngón tay cái xoa lòng bàn tay trẻ theo chiều ngược kim đồng hồ trong 2 phút, y học cổ truyền gọi thao tác này là Vận nghịch nội bát quái.

Xoa bờ trong cẳng tay: dùng hai ngón tay miết bờ trong cẳng tay từ khuỷu xuống cổ tay trong 2 phút, y học cổ truyền gọi thao tác này là Miết thoái lục phủ.

Các bài thuốc dân gian có tác dụng nhuận tràng

Khi các biện pháp trên tỏ ra kém hiệu quả, có thể dùng thêm cho trẻ một trong những bài thuốc dân gian có tác dụng nhuận tràng thông tiện sau đây :

Bài 1: Khoai lang 60g, đường phèn 15g. Khoai lang gọt vỏ, thái mỏng, luộc kỹ lấy nước rồi hoà đường phèn uống.

Bài 2: Mật ong 20ml hòa với 30ml nước sôi uống nhiều lần trong ngày.

Bài 3: Vừng đen 20g, mật ong 20ml. Vừng sao chín, xát vỏ, nghiền nhỏ thành bột, chế thêm nước nấu thành cao lỏng rồi hòa mật ong ăn hàng ngày.

Bài 4: Rau sam 20g, rau dừa nước 40g, rau má 40g, rau rệu 20g. Tất cả đem sắc đặc lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Trường hợp phân quá rắn, trẻ không thể tự đi ngoài được có thể tạm thời dùng phương pháp thụt hậu môn bằng mật ong hoặc nước sắc quả bồ kết theo cách thức như sau:

Dùng bơm tiêm nhựa vô trùng (bỏ kim) 0,5 – 1ml mật ong hoặc nước sắc quả bồ kết (1/2 quả bồ kết bẻ vụn sắc với 10ml nước trong 2 phút, để nguội). Bôi vào đầu bơm tiêm một chút dầu parafin. Đặt trẻ nằm nghiêng, từ từ đẩy đầu bơm tiêm vào hậu môn rồi bơm dịch thuốc. Sau chừng vài phút trẻ sẽ đi ngoài được. Tuy nhiên, về nguyên tắc không nên lạm dụng phương pháp này vì có thể làm mất phản xạ đi ngoài tự nhiên của trẻ.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Rate this post