Công dụng tuyệt vời từ cây hương thảo

Người ta thường dùng hương thảo trong các trường hợp cơ thể suy nhược, làm việc quá sức,  choáng do huyết áp thấp, người mệt yếu do tuần hoàn kém, mau quên, ăn uống không tiêu, đau nhức cơ, thấp khớp, viêm họng, nhức đầu, căng thẳng thần kinh, trầm cảm, lo âu và mất ngủ, trí nhớ giảm sút… Hương thảo được dùng dưới các dạng: Ngâm rượu (cồn thuốc), nước hãm, làm pommat hoặc chiết tinh dầu để xoa bóp ngoài da.

Cây hương thảo (romarin – rosemary)  còn gọi  là cây  tây  dương  chổi,  tên  khoa học Rosmarinus officinalis L., thuộc họ Hoa môi – Laminaceae. Tên hương thảo Rosmarinus xuất phát từ tiếng Latin: Ros có nghĩa là sương và marinus nghĩa là biển, gọi chung là sương của biển, nói đến nguồn gốc của cây này trên bờ biển Địa Trung Hải.

Mô tả cây

Hương thảo là loại cây nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, phân nhánh và mọc thành bụi. Lá nhiều, hẹp, hình dải, dai, dài khoảng 1 – 3cm có mép gập xuống, không cuống; lá màu xanh thẫm và nhẵn ở trên, phủ lông rải rác màu trắng ở dưới. Hoa xếp 2 – 10 ở các vòng lá, dài khoảng 1cm, màu xanh dương hoặc lam nhạt, hơi có màu tím hoa cà, với những chấm tím ở phía trong các thùy. Quả gồm 4 quả khô hợp lại, màu nâu. Toàn cây có mùi rất thơm. Hương thảo có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Người ta thường trồng trong những vườn khô và dọc theo bờ biển hoặc trong những chậu ở trên sân thượng… Người ta trồng hương thảo bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành vào mùa xuân, thích hợp với khí hậu khô vừa phải và ấm áp, được che chắn bảo vệ đầy đủ. Thu hái cành cây vào mùa hè, sau khi cây ra hoa. Thường thu hái các ngọn cây có hoa, đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô, đập lấy lá làm hương liệu và làm thuốc. Lá hương thảo tươi được dùng làm gia vị, rất được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Trong cây hương thảo có chứa tinh dầu dễ bay hơi (0,5% ở cây khô, 1 – 2% ở lá, 1,4 – 2% ở hoa), tanin, choline, saponosid axít, các axít hữu cơ (citric, glycolic, glyceric), acidrosmarinic và 2 heterosid là romaside và romarinoside. Tinh dầu hương thảo là một chất lỏng không màu hoặc có màu vàng nhạt, về sau sẫm dần và cứng lại, có thể hòa tan vào rượu bất kỳ tỉ lệ nào. Tinh dầu chứa alpha-pinen, romarin, terpen, borneol, acetat bornyl, camphor, cineol và caryophyllen. Tinh dầu hương thảo có mùi thơm kết hợp giữa mùi long não nhẹ dịu với mùi của cây thông.

cay huong thao

Những công dụng

Theo y học hiện đại, tinh dầu hương thảo có những tác dụng như: chống co thắt, làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, giảm đau đầu, dịu đau, hưng phấn thần kinh, trợ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc, chống viêm, gia tăng bài tiết mật, làm thuốc bổ đắng và có thể gây sảy thai. Qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, người ta ghi nhận hương thảo có khả năng ức chế độc tố aflatoxine, một chất có thể gây ra bệnh ung thư, được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm dùng cho người và động vật, mà bị lên mốc.

Theo Đông y, hương thảo có vị chát, mùi thơm nồng, tính ấm nóng, tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, hoạt huyết, tẩy uế trọc, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, chống viêm sưng, chống oxy hóa, kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp chống rụng tóc và mau mọc tóc, giúp khử trùng đường hô hấp và làm long đàm, dễ khạc đàm.

Người ta thường dùng hương thảo trong các trường hợp cơ thể suy nhược, làm việc quá sức, choáng do huyết áp thấp, người mệt yếu do tuần hoàn kém, mau quên, ăn uống không tiêu, đau nhức cơ, thấp khớp, viêm họng, nhức đầu, căng thẳng thần kinh, trầm cảm, lo âu và mất ngủ, trí nhớ giảm sút… Hương thảo được dùng dưới các dạng: ngâm rượu (cồn thuốc), nước hãm, làm pommat hoặc chiết tinh dầu để xoa bóp ngoài da.

Cách ngâm rượu: dùng 200g lá hương thảo khô ngâm với 1 lít rượu trắng trên 40 độ, bảo quản trong chai thủy tinh đã được khử trùng, cất nơi khô ráo, tránh ánh nắng. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2ml rượu thuốc pha với nước sôi để nguội, giúp tăng cường sức khỏe, chữa căng thẳng thần kinh, tiêu hóa kém.

Cách hãm thuốc: dùng 2 – 3g lá hương thảo khô hãm trong một tách nước sôi làm một liều. Ngày uống 4 – 5 liều. Hoặc dùng 20g lá khô (30g lá tươi) hãm với 500ml nước sôi, chia 4 – 5 lần để uống trong ngày. Tác dụng giảm nhức đầu, tăng tuần hoàn máu, tăng huyết áp, giúp tăng tiết mật và lợi tiểu. Xoa nhẹ nước hãm thuốc này lên da đầu để tăng cường sự mọc tóc hoặc dùng để rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu khỏ, rửa mắt 3 – 4 lần trong ngày khi bị viêm giác mạc nhẹ.

Nước sắc lá hương thảo dùng cho súc miệng, để chữa loét miệng và viêm tuyến nước bọt Tinh dầu hương thảo dùng xoa bóp giúp giảm đau cơ do thấp khớp, sưng đau do bong gân,  pha vào nước tắm 3 – 4 giọt giúp sảng khoái tinh thần, thư giãn cơ thể, giảm stress. Ngày xưa, người ta thường dùng hương thảo để bảo quản thịt. Ngày nay, các chất trích xuất từ hương thảo như: axít rosmarinic, axít carnosic, được dùng như chất bảo quản (chất chống oxy hóa) trong kỹ nghệ thực phẩm và mỹ phẩm (kem dưỡng da, kem đánh răng, xà phòng, dầu gội đầu và dung dịch kem dưỡng tóc…).

Trong chế biến thực phẩm: lá hương thảo thường được sử dụng tươi, nhưng cũng được sấy khô bảo quản để sử dụng. Dùng làm gia vị trong những món thịt hầm, món thịt nấu ra gu, thịt rô ti,  thịt nướng, làm bánh…

cay huong thao

Hoa hương thảo có mùi thơm dịu hơn và được dùng để tạo mùi thơm cho những món ăn hay món tráng miệng. Người dân ở vùng Địa Trung Hải cho rằng, sử dụng hương thảo thường xuyên trong nấu nướng các món ăn sẽ giúp duy trì, bảo vệ tính miễn nhiễm của các cơ quan trong cơ thể và giúp làm chậm lại quá trình lão hóa của những mô tế bào nhờ tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Lưu ý: không dùng hương thảo cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, những phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người có cơn động kinh, những người quá nhạy cảm với tinh dầu hương thảo.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Rate this post