Dây kim cang là loại cây mọc hoang tại các tỉnh miền núi và trung du nước ta như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình… thường gặp ở ven đường, bờ bụi, trên các đồi trọc, còn tên gọi là khúc khắc, thổ phục linh, củ cun, kim cang mỡ, cây nâu, khau đâu (Tày), D rạng lò (Châu mạ), tơ pớt (K ho), lái (K dong) và mọt hoi đòi (Dao)…
Bộ phận dùng làm thuốc lá rễ củ (Rhizoma Heterosmilacis), củ nạc, vỏ nâu được thu hái quanh năm, vào mùa hè, tốt nhất là vào mùa thu, phơi hay sấy khô.
Người ta đã phân tích thành phần trong kim cang thấy chứa chất nhựa tannin và saponin, b-sitosterol, stigmasterol… có công dụng chống viêm, chống dị ứng, chữa cảm cúm, ho gà, thấp khớp, đau lưng, đau xương, đau khớp, mụn nhọt, tràng nhạc, lở ngứa, giang mai, ngộ độc thủy ngân… liều dùng trung bình cho các dạng thuốc sắc, cao nước, bột, viên từ 15-30g/ngày hay 15-60g trong ngày.
Tuy nhiên trong thời gian uống thuốc không uống trà vì sẽ gây rụng tóc.
Để tham khảo và áp dụng dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ kim cang.
* Chống viêm, chữa dị ứng: Kim cang 15 – 30g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày.
* Chữa trĩ: Lấy lá tươi giã nát, sao nóng đắp rịt vào nơi trĩ đã rửa sạch.
* Hỗ trợ trị chàm, phong chẩn, đơn độc: Kim cang 40 – 80g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Phối hợp với các thuốc khác.
* Trị vẩy nến (psoriasis): Dùng kim cang (thổ phục linh) 40 – 80g, hạ khô thảo (cây cải trời) 80 – 120g, sắc với 500ml nước còn 300ml, chia 3 – 4 lần uống/ngày.
BS. Hoàng Xuân Đại