Xoa bóp vận động trị đau vai gáy

có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay mỏi. Nguyên nhân do chính khí suy giảm, can thận hư tổn, phong hàn thấp tà xâm phạm vào kinh lạc làm bế tắc sự vận hành của khí gây nên bệnh. Ngoài việc dùng thuốc nhằm khu phong tán tà, ôn bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc… dưới đây là một số động tác tự xoa bóp vận động đơn giản có tác dụng hỗ trợ dự phòng và điều trị đau vai gáy để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Huyệt phong phủ.

Huyệt phong phủ.

Xoa cổ gáy

Ngồi thả lỏng người, úp hai lòng bàn tay lên gáy sát theo chiều ngang của gáy từ trái sang phải và ngược lại, từ trên xuống dưới. Kế tiếp để bốn đầu ngón tay lên chính giữa chỗ hõm sau gáy (huyệt phong phủ) day nhẹ dọc cột sống cổ từ trên xuống dưới theo vòng xoáy trôn ốc từ 20 – 30 lần; sau đó chuyển tay sang sườn gáy cũng làm động tác trên từ huyệt phong trì xuống dưới bờ vai cả hai bên từ 20 – 30 lần. Có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp để tăng hiệu quả. Kế tiếp hai bàn tay ôm lấy nửa đầu sau, hai ngón tay cái đặt vào huyệt phong trì (ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ) day ấn nhẹ nhàng với lực thấm sâu theo chiều kim đồng hồ từ 2 – 3 phút sau đó bấm với lực vừa phải từ nhẹ đến mạnh và ngược lại 5 – 10 lần. Kế tiếp dùng ngón tay cái day bấm huyệt phong phủ (ở giữa mép tóc sau gáy lên một thốn, chỗ lõm dưới ụ lồi xương chẩm) với động tác và thời gian như trên.Huyệt phong trì, đại chùy.

Huyệt phong trì, đại chùy.

Xoa vỗ vùng vai

Ngồi thả lỏng người, dùng tay trái xoa theo vòng xoáy trôn ốc từ khu vực huyệt đại chùy – đại trữ đến mỏm cùng vai 5 – 10 lần, xát từ trong ra ngoài và ngược lại theo mốc trên mỗi lượt 5 – 10 lần, sau đó đổi tay làm cho vai bên kia. Tiếp theo khum lòng bàn tay vỗ nhẹ theo mốc trên từ trong ra ngoài và ngược lại mỗi bên 3 – 4 lần. Sau đó người đứng thẳng, hai chân thẳng, khép, cổ hơi cúi. Hai bàn tay đan úp vào nhau như động tác để cúng, các xương ngón tay kết hợp tạo thành bản chùy. Đưa nắm chùy lên thẳng đỉnh đầu, dùng lực co của cẳng tay vỗ nhẹ xuống huyệt đại chùy, đại trữ với lực vừa phải thấm sâu, kết hợp với nhún gối. Vỗ như vậy 5 lần, 10 lần. Với vai trò lưu thông khí huyết, mạnh gân cốt vùng vai gáy.

Cổ cúi ngửa đầu

Ngồi thả lỏng người trên ghế đỉnh đầu và mặt ghế tạo thành góc vuông 90 độ, nhẹ nhàng cúi đầu thật từ từ đến khi cằm chạm sát thành ngực thì dừng lại, giữ nguyên 1- 3 phút để cho nhóm cơ cổ gáy giãn ra. Sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu. Tiếp theo đưa đầu ngửa ra sau gáy đến khi ụ chẩm gần sát vai lưng khi không ngửa được nữa giữ nguyên trong 1- 3 phút và sau đó nhẹ nhàng nâng đầu lên về vị trí ban đầu. Kế tiếp làm động tác nhẹ nhàng từ từ như trên đối với nghiêng trái nghiêng phải, khi nghiêng trái nghiêng phải thì má phải sát với bờ vai.

Các động tác vận động cổ, cúi ngửa đầu, xoay đầu.

Xoay đầu

Vẫn tư thế trên ngồi nhẹ nhàng xoay đầu qua trái, cố gắng để cằm chạm vào vai trái giữ nguyên 1 – 2 phút nhẹ nhàng quay đầu lại tiếp tục làm như vậy quay sang phải. Mỗi động tác trên mới làm có thể tập 5 – 10 lần sau tăng lên, ngày có thể làm hai lần sáng ngủ dậy và trước khi ngủ.

Ưỡn cổ

Nằm ngửa thẳng trên giường cứng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên. Hít vào tối đa cho bụng ngực bụng căng lên, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời dao động vai qua lại 4 lần, thở ra triệt để (bụng ngực xẹp xuống). Hạ vai rồi nghỉ.

Nằm sấp

Người bệnh nằm sấp, lấy cằm, ngực, xương mu và mặt trên các ngón chân làm điểm tỳ chính, mắt ngước nhẹ nhìn phía trước, tay duỗi thẳng để xuôi áp sát thân, bàn chân duỗi thẳng. Nằm bất động thở nhịp nhàng trong tư thế trên 5 – 10 phút, có tác dụng giãn toàn bộ hệ thống cơ từ chẩm cho tới chân, giúp thúc đẩy tuần hoàn lưu thông khí huyết, có vai trò rất lớn phòng trị thoái hóa cột sống cổ.

Các động tác trên có tác dụng làm cho các đốt sống cổ, cơ cổ, vai gáy hoạt động tốt hơn do giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện các triệu chứng tê, nhức, mỏi, co cứng cổ vai gáy, cánh tay. Sau khi thực hiện các động tác trên tốt nhất nên đi lại một chút hoặc làm động tác ngồi xuống đứng lên một cách nhẹ nhàng để bổ trợ sức khỏe toàn thân.

TS. Trần Xuân Nguyên

Rate this post