Chứng sa trực tràng Đông y gọi là “chứng thoát giang”. Nguyên nhân chủ yếu là do tỳ dương hư, làm trung khí hạ hãm, nguyên khí bị suy tổn, sự thăng giáng của dương khí thất thường mà sinh bệnh. Đối với người cao tuổi, nguyên khí bị suy tổn, đại tiện táo bón, khi đi đại tiện bị rặn nhiều, làm đại tràng sa xuống không co lên được. Đối với phụ nữ do khi sinh nở rặn quá nhiều hoặc sinh nhiều lần cũng là nguyên nhân thường thấy. Đối với trẻ em do khí tiên thiên bất túc, sau khi sinh nuôi dưỡng kém, ăn uống thất thường, làm tỳ vị tổn thương, chính khí bị suy kém hoặc mắc chứng kiết lỵ, tiêu chảy, khi đi đại tiện rặn nhiều mà mắc chứng thoát giang.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm điều trị chứng sa trực tràng để đồng nghiệp và bạn đọc tham khảo:
Bài thuốc “Bổ trung ích khí” nhưng với liều lượng khác gồm: hoàng kỳ 40g, (nguyên bản bài thuốc hoàng kỳ 12g) cam thảo (chích) 4g, nhân sâm 16g (nguyên bản nhân sâm 6g), đương qui 12g, trần bì 8g, thăng ma 40g (nguyên bản bài thuốc thăng ma 4g), sài hồ 12g (nguyên bản sài hồ 8g), bạch truật 16g (nguyên bản bạch truật 12g) nếu thay nhân sâm bằng đảng sâm cho liều gấp hai lần.
Để điều trị chứng sa trực tràng khi dùng bài “bổ trung ích khí” liều cao và tùy theo từng thể bệnh mà gia giảm trong bài thuốc có hai vị hoàng kỳ và thăng ma. Ví như khi xem mạch thấy dương khí quá hư suy, bệnh nặng, sức khỏe của bệnh nhân không được tốt, nên hoàng kỳ và thăng ma đều dùng liều cao 70g, bạch truật dùng 16g gia thêm ích trí nhân 12g, ngũ vị tử 12g, ô mai 5 quả để tăng thêm tác dụng thu liễm làm cho trực tràng co lên nhanh.
TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng