Theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020.
Thực trạng chiều cao của trẻ em Việt Nam
Tỉ lệ thuận với sự phát triển của đời sống người dân, chiều cao của trẻ em Việt Nam trong những năm gần đây được cải thiện một cách rõ nét. Mặc dù vậy, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm ở nam và 10,7cm ở nữ. Thực trạng đó, phải chăng một phần là những hệ lụy khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi ở Việt Nam vẫn rất trầm trọng với trên 30% trẻ em bị thấp còi (theo số liệu của Bộ Y tế tháng 12/2009). Ngoài yếu tố gen di truyền thì các yếu tố môi trường chính là mấu chốt của việc cải thiện chiều cao, trong đó dinh dưỡng chiếm 32%, vận động chiếm 20%.
Dinh dưỡng học đường – Một trong những nội dung của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia. Ảnh: V.T |
Cải thiện chiều cao của trẻ
Mục tiêu chung của Chiến lược là đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân – béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Cụ thể, giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g) xuống dưới 10% vào năm 2015 và dưới 8% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, đến năm 2020, chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng từ 1,5 – 2 cm cho cả trẻ trai và gái; chiều cao của thanh niên theo giới tăng từ 1 – 1,5 cm so với năm 2010.
Đồng thời, khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn vào năm 2015 và tiếp tục duy trì đến năm 2020.
Dinh dưỡng học đường, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ
Một trong những nội dung được Chiến lược dinh dưỡng quốc gia đưa ra là xây dựng và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường, trong đó từng bước thực hiện thực đơn tiết chế dinh dưỡng và sữa học đường cho lứa tuổi mầm non và tiểu học. Xây dựng mô hình phù hợp với từng vùng miền và đối tượng.
Đối với giải pháp chuyên môn kỹ thuật, có nội dung thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi.
Bên cạnh đó là giải pháp đa dạng hóa sản xuất, chế biến và sử dụng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương. Phát triển hệ sinh thái vườn – ao – chuồng, bảm đảm sản xuất, lưu thông, phân phối và sử dụng thực phẩm an toàn. Tăng cường sử dụng cá, sữa, rau trong bữa ăn hàng ngày.
Kiều Anh