Từ 12 tháng đến khoảng 3 tuổi, não của con bạn tăng trưởng rất nhanh. Trong thực tế, nó sẽ tăng gấp ba lần kích thước lúc mới sinh. Một chế độ ăn uống tốt, đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ giúp não bộ bé yêu của bạn phát triển toàn diện qua giai đoạn này.
Và sau đây là những gì mà não bộ của trẻ sẽ cần để phát triển tối ưu nhất:
Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
Trẻ sẽ cần có đủ năng lượng từ chất béo, carbohydrate và protein để bộ não của trẻ cũng như các cơ quan khác có thể phát triển. Trong năm đầu tiên, một nửa năng lượng từ thực phẩm được sử dụng cho bộ não. Để có được sự cân bằng cần thiết cho con, bạn cần ăn thịt nạc, dầu cá, thịt gà, nhiều loại trái cây, rau quả, thực phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì trong chế độ ăn uống của bạn nếu bạn đang cho con bú và trong chế độ ăn uống của con bạn nếu con đã được cai sữa. Một chế độ ăn hỗn hợp là chìa khóa để có nguồn dinh dưỡng tốt nhất.
Chất béo omega-3
Cá hồi, cá ngừ là một trong những loại thực phẩm giàu omega-3
Chất béo omega-3 rất quan trọng cho sự phát triển cấu trúc của não, vì bộ não con người có nồng độ các chất béo cao nhất trong cơ thể, có khoảng 60% là chất béo. Các chất béo khác nhau được tìm thấy trong não bộ bị ảnh hưởng phần lớn bởi những gì chúng ta ăn. Điều này đặc biệt đúng đối với chất béo omega-3 bởi vì cơ thể không thể tự tổng hợp chúng mà phải đưa vào từ thức ăn. Và vì thế, cách duy nhất để có được omega-3 là chúng ta phải ăn những thực phẩm có chứa omega-3. Không ai trong chúng ta thực sự luôn đủ omega-3 trong cơ thể, nhưng một số thời điểm quan trọng nhất như đang trong quá trình mang thai, cho con bú và trong lứa tuổi ăn dặm, chúng ta cần bảo đảm điều này.
Thực phẩm gợi ý: Sữa mẹ, sữa công thức tăng cường omega-3, cá ngừ tươi và đóng hộp, cá hồi, cá thu, cá mòi, trứng, dầu cá, dầu thực vật, các loại hạt cũng rất giàu omega-3.
Sắt
Chúng ta đều biết sắt giúp duy trì năng lượng và sức sống, nhưng ở trẻ sơ sinh và trẻ ăn dặm nó cũng quan trọng cho chức năng não và sự phát triển tổng thể. Sẽ khá nguy hiểm nếu cơ thể trẻ không nhận được đủ lượng sắt. Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển ôxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em. Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu ôxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh. Trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt do thiếu ôxy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi.Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.Sắt tham gia vào tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.
Mơ giàu vitamin C sẽ giúp thúc đẩy quá trình hấp thu sắt. Ảnh: Getty images
Nếu bổ sung thường xuyên trong 6 tháng những thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn uống sẽ xây dựng các “cửa hàng” sắt rất quan trọng cho não đang phát triển của trẻ. Sắt có nhiều trong các thực phẩm từ thịt động vật. Để thúc đẩy sự hấp thụ sắt từ thực phẩm nên kết hợp chúng với các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam quýt, bông cải xanh, ớt xanh hoặc cà chua.
Thực phẩm gợi ý: Gan, dầu cá như cá mòi, thịt nạc đỏ, thịt gà, ngũ cốc tăng cường chất sắt, đậu các loại, rau xanh, trái cây khô bao gồm mơ và nho khô.
Kẽm
Một trong những nồng độ lớn nhất của kẽm trong cơ thể con người được tìm thấy trong não. Kẽm cần thiết cho tất cả các quá trình tăng trưởng, kẽm cũng có vai trò quan trọng trong giúp ổn định hoạt động của tế bào thần kinh, duy trì phát triển trí não. Thiếu kẽm trẻ hay quấy khóc đêm, hay giật mình tỉnh giấc, ngủ không sâu giấc.Thực phẩm tốt nhất: thịt nạc đỏ, thịt gà, hải sản, sữa, khoai tây, rau bina, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
I-ốt
Ảnh: Getty images
I-ốt là thành phần chính của hormone được sản xuất bởi tuyến giáp, i-ốt có một vai trò sống còn trong phát triển bình thường của não từ lúc thụ thai phải cho đến tuổi ăn dặm. Các nghiên cứu của Úc gần đây nhất về i-ốt cho thấy, nhiều hiện tượng trẻ em bị thiếu i-ốt trong cơ thể. Điều này được cho là do mức độ i-ốt bị giảm trong thực phẩm của trẻ ăn hàng ngày. Hãy thường xuyên lưu tâm đến việc chọn thực phẩm giàu i-ốt trong chế độ ăn uống của bạn nếu bạn đang cho con bú, hoặc của con bạn khi chúng được cai sữa.Thực phẩm tốt nhất: Hải sản, rong biển tươi hoặc khô, muối i-ốt, sữa chua, trứng và dâu tây.
Carbohydrate
Carbohydrate là đường, tinh bột và chất xơ – những hợp chất mà chúng ta thường nghe nói đến. Một nguồn cung cấp ổn định của chất bột đường rất cần thiết để cung cấp nhiên liệu cho não. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng bộ nhớ và việc học tập của trẻ có thể được tốt hơn sau bữa ăn với một ít carbohydrate.Tuy nhiên, bạn nên điều chỉnh để cung cấp cho trẻ một lượng đường bột vừa đủ cho trẻ , vì trẻ em cần rất nhiều dưỡng chất cho sự phát triển nhanh chóng của chúng, vì thế không nên để dạ dày bé xíu của trẻ chứa đầy những thức ăn có nhiều đường bột.Thực phẩm tốt nhất: Cháo, mì ống và mì sợi, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, táo, đậu nướng, sữa, khoai lang, ngô và sữa chua.
Ảnh: Getty images
Các bữa ăn và đồ ăn nhẹ
Trẻ hoạt động rất nhiều, vì thế năng lượng nhanh chóng bị tiêu hao để lại một cái dạ dày trống rỗng, và có nghĩa là bộ não của trẻ sẽ bị “đói” và dễ bị kích thích, trẻ sẽ không cảm thấy thoải mái. Bạn nên “tiếp nhiên liệu” cho trẻ thường xuyên với các bữa ăn và đồ ăn nhẹ không quá 2-3 giờ đồng hồ để tránh những cơn bực bội không cần thiết.Gợi ý: Tránh các loại thực phẩm ăn nhẹ được bán sẵn, hãy cho trẻ trái cây tươi, sinh tố, yaourt và rau quả để thay thế.
Cắt giảm… đường, phụ gia, chất bảo quản, chất làm tăng hương vị
Nghiên cứu cho thấy một số loại thức ăn có thể làm trẻ bồn chồn, dễ bị kích thích, làm trẻ rối loạn cảm giác…. Phụ gia được tìm thấy trong kẹo, nước giải khát, bánh ngọt, đồ ăn nhẹ, kem và một số thức ăn lành mạnh như bánh mì và sữa chua. Chúng có thể có tác dụng lâu dài hoặc ngay lập tức lên hành vi của trẻ.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên tìm hiểu kỹ về các gia vị, phụ gia và tác dụng của chúng trên từng lứa tuổi để tránh cho con ăn. Bạn cũng cần đọc kỹ thành phần thực phẩm bên trong các sản phẩm thức ăn nhanh mà bạn định mua cho con.
Theo Web Trẻ thơ
(Theo Webtretho)