Báo động tình trạng người Việt lười ăn rau, trái cây

Cuộc điều tra quy mô nhất từ trước đến nay cho thấy có tới 57% người Việt trưởng thành thiếu rau xanh và trái cây. So với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới là 400g/ngày nhưng người Việt lại thiếu rau xanh với tỷ lệ: Nam giới 63% và nữ giới là 51%.

Mỗi người cần ăn 400g rau xanh, trái cây/ngày

Bữa cơm thiếu rau xanh, trái cây trở thành vấn nạn gây nên nhiều bệnh không lây nhiễm khác nhau, nhất là các bệnh lý về ung thư đường tiêu hóa, tim mạch cũng như bệnh tiểu đường.

Thông tin này được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo công bố kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong năm 2015. Đây cuộc điều tra lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới mỗi người trưởng thành cần ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây, tương đương khoảng 400 gam hằng ngày. Trong khi đó, việc ăn đủ rau xanh, trái cây sẽ góp phần giúp phòng chống bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Mỗi suất rau hoặc trái cây tương đương 80g phần ăn được, lượng này tương đương với 1 trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia người Việt cần thay đổi thói quen nên có thêm nhiều rau xanh, trái cây trong thực đơn hàng ngày

Trong một nghiên cứu khác của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ rõ, người Việt ăn rất ít rau với mức 170-200g/ngày nhưng ăn nhiều thịt với lượng trên 80g/ngày, gấp 3-4 lần so với những năm trước. Trong khi lượng cá chỉ đạt 60g/ngày, bằng 1/5 khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Cao Thị Thu Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng nguyên nhân khẩu phần ăn của người Việt thay đổi theo hướng không tốt do tác động của kinh tế thị trường.

Theo TS Hương, rau quả không cung cấp nhiều năng lượng nhưng cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt các chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Bà Hương cũng cho rằng, đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường luôn phải giảm tinh bột, việc bổ sung rau xanh sẽ giúp dạ dày không có cảm giác đói. Còn với những người mắc tim mạch, rau quả đóng vai trò quan trọng, vừa tránh táo bón vừa hòa tan cholesterol, giảm lắng đọng cholesterol trong thành mạch.

Bà Hương khuyên những bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường nên ăn rau lót dạ trước rồi mới ăn cơm hoặc thịt, vừa giúp giảm tinh bột vừa giúp quá trình chuyển hóa được tốt hơn.  Riêng với ung thư đại tràng, dù chưa có những bằng chứng đầy đủ về nguyên nhân ăn ít rau quả song nếu mỗi người thay đổi thói quen ăn uống ngay từ bây giờ khi mới bắt đầu rối loạn thì loại ung thư này cũng sẽ giảm

Người Việt vẫn lười vận động

Cùng với nhu cầu rau xanh, trái cây bị thiếu hụt trong thực đơn, điều tra của Bộ Y tế cũng cho thấy, những người trưởng thành Việt cũng rất lười tập thể dục. Nữ giới vướng phải điều này nhiều hơn nam giới. Chuyên gia y tế của Tổ chức y tế cho rằng, do phụ nữ Việt Nam bị việc nhà “xoay vòng” khiến họ không có thời gian để luyện tập.

Thói quen này chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý ung thư, tim mạch ở Việt Nam tăng cao so hơn với trước. Các bệnh này chiếm 2/3 số ca tử vong trên cả nước và là gánh nặng với ngành y.

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản. Con số bệnh nhân ung thư được cập nhật mỗi năm khoảng 125 nghìn người mắc mới.


Các chuyên gia y tế cho rằng việc tập thể dục góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật

Tăng huyết áp là bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm ngàn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm. Đái tháo đường là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, hần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường.

Các nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm chưa được xác định cụ thể mà người ta chỉ đưa ra được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, ít vận động. Theo TS Bắc các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Thái Bình

Rate this post