Với sự gia tăng đáng kể tuổi thọ, người ta dự đoán vào năm 2050, sẽ có hơn 80 triệu người ở độ tuổi 65 trở lên, khoảng 20 triệu người có độ tuổi từ 85 tuổi trở lên. Sự gia tăng dân số già ngày càng nhanh này sẽ đối mặt tình trạng lão hóa của hệ thống miễn dịch.
Sự lão hóa hệ thống miễn dịch, gây ra những thay đổi đặc hiệu trong các loại tế bào khác nhau của hệ thống miễn dịch. Đối với các tế bào bón (mast cell), một loại tế bào chính tham gia vào các phản ứng dị ứng thức ăn, lão hóa làm giảm sự mất hạt (degranulation) của tế bào bón và gây rối loạn sự điều hòa chức năng.
Dị ứng thực phẩm là một vấn đề sức khỏe ngày càng tăng trong dân số già. Ước tính có tới 5% – 10% số người cao tuổi bị dị ứng thực phẩm nhưng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một nghiên cứu cho biết, 24,8% bệnh nhân được chăm sóc tại nhà (tuổi trung bình 77) dương tính với các dị nguyên thực phẩm. Ở người cao tuổi, các yếu tố làm dễ gây dị ứng thực phẩm là giảm axit dạ dày, dẫn đến giảm tiêu hóa protein và tăng tiếp xúc cơ thể với các phân tử gây dị ứng và giảm nồng độ globulin miễn dịch huyết thanh E (IgE).
Dinh dưỡng – thành trì bảo vệ hệ miễn dịch
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống miễn dịch. Ba vi chất dinh dưỡng quan trọng nhất là vitamin D, kẽm và sắt. Sự suy giảm hoặc thiếu hụt lượng calcitriol (dạng hoạt động của vitamin D) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng của IgE liên quan thực phẩm. Lượng kẽm nghèo nàn (hấp thụ từ thức ăn) có thể làm thay đổi hiệu quả miễn dịch, làm dễ dàng phát triển dị ứng thực phẩm. Thiếu sắt cũng làm giảm đáp ứng kháng thể và làm tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm. Việc bổ sung vitamin và khoáng chất có thể cải thiện tình trạng này.
Triệu chứng nghèo nàn
Các triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể từ nhẹ đến nặng. Một người bị sốc phản vệ do thực phẩm cần cấp cứu ngay và việc chẩn đoán thực phẩm gây ra dị ứng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người cao tuổi ít có khả năng để bộc lộ sốc phản vệ, làm cho phát hiện nguyên nhân khó khăn hơn. Các triệu chứng nhẹ và thường không đặc hiệu và có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân: liên quan đến da, mũi, mắt, miệng/môi, tai, đường tiêu hóa hoặc hô hấp và hệ thống tim mạch.
Các triệu chứng đặc hiệu có thể không chính xác do người cao tuổi đang dùng các thuốc uống, mất ngủ, dị ứng môi trường, các vấn đề tiêu hóa, virut, rối loạn tự miễn, hoặc do tác động lão hóa nói chung. Dị ứng thực phẩm không được chẩn đoán (và bệnh celiac) có thể góp phần vào tình trạng mệt mỏi, kém hấp thu, và các viêm nhiễm tiếp tục làm trầm trọng sức khỏe của người cao tuổi.
Chìa khóa để chẩn đoán và quản lý tình trạng dị ứng thực phẩm ở người cao tuổi.
1. Khi bị dị ứng thực phẩm, phương pháp duy nhất là tránh các chất gây dị ứng. Kiểm tra kỹ thành phần trên nhãn trước khi mua thực phẩm.
2. Thiếu kiến thức hiểu biết và lây nhiễm chéo thực phẩm có thể dẫn đến dị ứng. Người mua hàng phải yêu cầu người cung cấp cho biết thành phần hoặc công thức thực phẩm. Nếu không có thông tin thành phần rõ ràng, không biết xuất xứ thực phẩm, tốt nhất không nên dùng thực phẩm đó…
3. Đối với sốc phản vệ, cần cấp cứu ngay tại cơ sở y tế. Với trường hợp nhẹ, thuốc kháng histamin có thể hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng. Tốt nhất, luôn có sẵn thuốc chống dị ứng đã được bác sĩ kê đơn trong người.
4. Để chọn thực phẩm thích hợp đảm bảo sự an toàn, cần:
• Đọc tất cả các nhãn thực phẩm và kiểm tra lại theo định kỳ, vì chất phụ gia có thể sẽ thay đổi. Nếu không chắc chắn thì không dùng.
• Điều chỉnh công thức nấu ăn. Nhiều trang web sẽ cung cấp thay thế và/hoặc thay đổi công thức nấu ăn thích hợp.
• Kiến thức là điều cần thiết để tránh dị ứng thực phẩm. Khi mua nên yêu cầu người cung cấp trả lời các thông tin liên quan đến thực phẩm.
• Tránh ô nhiễm chéo bằng cách làm sạch các khu vực chuẩn bị thức ăn, đồ dùng, đĩa ăn, chảo và các thiết bị nhà bếp. Xem xét các thiết bị an toàn khi cần thiết (ví dụ máy nướng bánh mì, lò vi sóng…).
• Kiểm tra thực đơn khi đặt mua thực phẩm giao đến nhà. Một số thực đơn có thể chứa các chất gây dị ứng thực phẩm, lây nhiễm chéo.
• Mang theo thức ăn an toàn khi đi chơi, dã ngoại. Nếu để thức ăn chung, tránh nhiễm chéo thức ăn gây dị ứng. Để an toàn hơn, nên ăn một bữa ăn nhẹ hoặc ăn trước khi tham gia cùng mọi người.
Bổ sung các chất thiết yếu
. Bổ sung các vi chất thiết yếu, đặc biệt là sắt, kẽm và vitamin D; vitamin tổng hợp (A, C và E, vitamin B phức hợp, các chất khoáng); coenzyme Q10, chế phẩm sinh học probiotic, dầu cá omega-3 và L-glutamine cũng có lợi. Tuy nhiên cẩn thận khi dùng và phòng quá liều với người cao tuổi.
. Có thể sử dụng một số dược thảo được khuyến cáo có các hiệu ứng tăng cường miễn dịch và chống viêm, chẳng hạn như trà xanh, cây kế sữa (milk thistle), bromelain (enzyme chiết xuất từ quả dứa), nghệ, và cây móng mèo (cat’s claw), nhưng cần hết sức thận trọng vì những tác dụng tương tác tiềm tàng.
. Người bệnh nên ăn nhiều chất béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích và các loại hạt như hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó; dầu hạt cải. Ngoài ra, uống 6 – 8 cốc nước lọc mỗi ngày và tăng lượng probiotic hằng ngày bằng ăn sữa chua, nên chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ.
. Tránh chất béo trans trong thực phẩm nướng, thực phẩm chế biến sẵn. Vận động thể chất ít nhất 30 phút các ngày trong tuần; hạn chế rượu hoặc kiêng hoàn toàn. Có thể uống 1 ly nhỏ mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly nhỏ mỗi ngày đối với nam.
. Tư vấn cho người cao tuổi theo dõi các chất gây dị ứng thực phẩm không có trong thực phẩm, nhưng có thể có mặt trong các loại kem, mỹ phẩm, thuốc và các sản phẩm làm tóc.
TS.BS. Lê Thanh Hải
(Theo Todaysgeriatricmedicine)