Để khát mới uống: quá muộn!

Đánh vào tâm điểm

Sống dưới tiết trời nắng nóng, sự cực đoan của khí hậu, có thể gây ra nhiều tai hại đối với sức khỏe. Sự mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau cơ, cứng cơ, chuột rút là những rối loạn rất thường gặp khi chúng ta sống và làm việc dưới nắng gắt. Tuy nhiên, biến chứng nguy hại nhất của nắng nóng đó là say nắng, say nóng, mà đôi khi người ta gọi nó bằng một thuật ngữ chuyên môn khác là đột qụy do nắng nóng.

Sự tai hại được đề cập ở đây đó là sự co giật, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Tử vong do nắng nóng, nếu đã có nguy cơ xuất hiện, không thể có một biện pháp điều trị hữu hiệu để khống chế hoặc lật ngược tình thế, cho đến thời điểm hiện tại. Nếu một người đã có triệu chứng đe dọa tính mạng thì sự sống của người đó có thể chỉ tính bằng ngày. Vì thế, một trong các nỗ lực hiện nay đó là tìm kiếm biện pháp dự phòng thích đáng để chống lại tình trạng này.

uong nuocKhi cơ thể của bạn khát, nghĩa là cơ thể của bạn đã thiếu nước rồi

Có nhiều cơ chế gây ra rối loạn bệnh lý trong say nắng, say nóng. Tuy nhiên, có 2 cơ chế tối quan trọng. Cơ chế thứ nhất, đó là sự rối loạn nước và điện giải. Cơ chế thứ hai là sự nóng quá mức đã làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh. Chúng tôi không đề cập tới cơ chế đầu tiên, chúng tôi muốn đề cập đến sự rối loạn nước và điện giải, coi đó là một cơ chế đáng bàn, bởi vì có những lý do chặt chẽ sau đây.

Thứ nhất, thực tế cho thấy, sự nguy hại của nắng nóng đến mức đe dọa tính mạng chỉ xảy ra ở những người mất nhiều mồ hôi do nắng. Sự bài tiết nhiều mồ hôi dẫn tới một vấn đề không ai phủ nhận được: mất nước. Người bị bệnh nặng thì có mất mồ hôi và mất nước, vậy thì có thể có khả năng, mất mồ hôi và mất nước nhiều có thể dẫn đến bị bệnh nặng. Điều này mới chỉ ở giả thuyết cấp 1. Cơ chế rối loạn nước và điện giải được khẳng định lần 1.

Thứ hai, nhiều triệu chứng của cơ thể trên những bệnh nhân nặng chứng minh họ bị mất nước. Da các bệnh nhân khô, mắt trũng, má hóp, môi khô, hơi thở nóng. Sự thay đổi về đặc điểm của da đã chứng minh rất rõ ràng, ở họ có sự mất nước điển hình. Cơ chế được khẳng định lần 2.

Thứ ba, nhiều rối loạn của cơ thể có liên quan chặt chẽ tới mất nước và mất muối. Chẳng hạn như thay đổi điện thế tế bào. Sự thay đổi điện thế tế bào thực chất là sự rối loạn điện giải giữa 2 bên màng tế bào: bên trong và bên ngoài. Sự rối loạn điện giải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thay đổi này. Một số bệnh nhân xuất hiện co giật, có thể là co giật cục bộ cũng có thể là co giật toàn thân. Sự co giật xảy ra đương nhiên là do sự rối loạn điện giải ở nội tại tế bào cơ và tế bào thần kinh, mà tiền thân của nó là mất nước và mất muối. Cơ chế được khẳng định lần 3.

Thứ tư, xét nghiệm ở các bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do nắng nóng, người ta bao giờ cũng tìm thấy kết quả rối loạn nước và điện giải, rối loạn cân bằng kiềm toan. Biện pháp điều trị vớt vát có ý nghĩa với một số bệnh nhân đó là truyền dịch nhằm tái phục hồi rối loạn cân bằng nước. Biện pháp truyền dịch (thực chất là bù nước) tuy đơn giản song lại có thể làm nhẹ bớt tình hình, cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ vừa. Như vậy, rõ ràng có mất nước thực thụ thì bù nước mới cứu sống. Có mất nước thực thụ thì bù nước mới điều trị thành công. Cơ chế được khẳng định lần 4.

Với các minh chứng ở trên, có thể nói rằng, một trong các tâm điểm của nắng nóng đó là mất nước. Và rõ ràng, sự sử dụng nước đúng cách sẽ đánh đúng vào tâm điểm của các rối loạn trên.

Người ta đã chứng minh, dùng nước đúng cách là biện pháp có ý nghĩa nhất dự phòng các tai biến xảy ra. Nước được coi là vũ khí duy nhất có hiệu quả nhằm chống lại tàn phá của khí hậu với cuộc sống con người-sự tàn phá này mang tên nắng nóng.

Uống như nào?

Uống nước để chống nắng, việc đó đâu khó. Tưởng gì khó khăn, uống nước thì dễ như không, một đứa trẻ cũng có thể làm được. Bởi việc này nó diễn ra hàng ngày và là một thói quen của mỗi người.

Thế nhưng, khi được đặt câu hỏi, uống thế nào cho đúng, uống lúc nào, uống bao nhiêu thì chúng ta lại ớ ra và bối rối.

Có người cho rằng, cứ sống đi, cứ làm việc đi, đến khi nào khát thì uống. Bởi khát là dấu hiệu của thiếu nước.

Song câu trả lời chính xác: nếu đợi đến khát mới uống thì có thể đã gọi là quá muộn. Tại sao vậy?

Khi cơ thể của bạn khát, nghĩa là cơ thể của bạn đã thiếu nước. Rối loạn nước và điện giải đã xảy ra. Trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi đã bị rối loạn. Chúng đang bị dòng nhiệt nóng hun từng giây từng phút. Từ khi cơ thể có rối loạn, đến khi cơ thể biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài cần một khoảng thời gian. Sự chậm trễ này đã dẫn tới: bên ngoài đã có bệnh lý thì bên trong đã rối loạn khá nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng nguy hại tới mức, nếu cứ cố tình tiếp tục để tình trạng khát xảy ra, để trung tâm điều nhiệt bị hâm nóng đến mức vượt ngưỡng, nạn nhân sẽ xảy ra hôn mê. Đó là một trạng thái tận cùng và nặng nề trong tiến trình bệnh lý.

Trong khi đó, để bù lại phần rối loạn, chúng ta cần phải uống nước. Nước uống vào sẽ làm mát trung tâm điều nhiệt. Nước uống vào sẽ làm bình thường hóa rối loạn nước và điện giải. Nước uống vào sẽ ngăn ngừa các diễn tiến nặng, chứ không chỉ đơn thuần hết khát. Nhưng từ khi nước uống vào khỏi miệng cho tới khi nước thể hiện được công năng của mình, cần một thời gian không hề ngắn. Thời gian đó kéo dài từ 15 – 30 phút đủ để cho nước thấm qua thành ống tiêu hóa, đi vào hệ tuần hoàn và thực hiện vòng luân chuyển nhiệt từ trung tâm ra ngoại vi. Với thời gian này, có thể nói là đã không kịp cho các tế bào não nếu có sự đe dọa tổn thương xảy ra. Còn với những bệnh nhân hôn mê, sự truyền dịch ngay tức tốc, với mục tiêu đưa nước vào bằng được trong lòng mạch máu, dường như cũng chưa đủ hiệu lực để khống chế sự lăm le của lưỡi hái tử vong.

Cho nên, rất cần uống nước đúng cách. Bạn hãy làm theo hướng dẫn sau:

Trước hết, bạn cần bù đủ nước trong 24h trước thời điểm bạn phải tiếp xúc với nắng nóng (tức vào đủ 1 ngày hôm trước). Tại sao lại 24h? Đó là bởi vì 24h là khoảng thời gian cần thiết cho cơ thể hồi phục các rối loạn tồn dư, nếu có. Đó cũng là khoảng thời gian các tế bào bị thiếu nước có thể được bù đủ nước và tái hoạt động bình thường trở lại. Đây cũng là mức thời gian cần thiết để trung tâm điều nhiệt ổn định hoàn toàn. Nếu trong vòng 24h trước đó, bạn vẫn còn thấy mệt, khát, khô thì cơ thể bạn chưa hồi phục hoàn toàn. Ngày hôm sau bạn tiếp tục làm việc với nắng nóng, sự chống đỡ trở nên rất yếu ớt, biến chứng có khả năng sẽ xảy ra với bạn.

uong nuoc

 

Thấy nước tiểu của mình trong hoặc hơi hanh vàng. Như thế có nghĩa là bạn đã uống nước đủ

Bù đủ nước trong 24h ngày hôm trước, nghĩa là bạn phải uống đủ từ 2 lít nước trở lên nếu bạn tiếp xúc với nắng nóng và đủ 1,5 – 2 lít nước nếu bạn làm việc văn phòng và chỉ tiếp xúc với nắng nóng thoảng qua. Bù đủ nước là khi bạn cảm thấy cơ thể khỏe trở lại và nước tiểu trong hoặc chỉ hơi hanh vàng.

 

Trong ngày tiếp xúc với nắng nóng, bạn nhất định phải uống đủ nước trước khi bước vào nắng nóng thực sự. Trước giờ làm việc 30 phút, bạn cần uống đủ 200ml nước. Lượng nước này sẽ giúp bạn ổn định trong 1h tiếp theo trong trường hợp bạn chưa kịp uống. Trong giờ làm việc, cứ 30 phút bạn lại uống nước 1 lần. Mỗi lần uống bạn cần uống từ 1 – 2 ngụm to. Kể cả khi đó bạn không hề cảm thấy khát. Làm việc nhẹ, nắng nóng ít thì mỗi lần 1 ngụm to. Nắng nóng nhiều, mồ hôi ra nhiều thì 2 ngụm to cho mỗi lần uống. Mỗi một ngụm to tương đương với 50  –  70ml nước tùy miệng từng người. Như vậy, trong 8h làm việc dưới nắng nóng, bạn đã bù được 1,5 – 1,7 lít nước. Nếu tính cả lượng nước được uống trước khi làm việc, bạn đã bù được ước chừng 1,7 – 1,9 lít nước. Đây là mức bù nước khá ấn tượng.

Đừng vội dừng uống nước ngay sau giờ làm việc thứ 8. Kể cả khi đó bạn không thấy vấn đề gì xảy ra. Bạn cần tiếp tục uống nước, bằng cách uống tiếp tục 200ml nước sau 30 phút kết thúc công việc. Và sau đó, bạn cần tiếp tục uống nước theo nhu cầu cho tới khi nào bạn thấy nước tiểu của mình trong hoặc hơi hanh vàng. Như thế có nghĩa là bạn đã uống nước đủ.

Dùng nước nào?

Chớ lấy bia lạnh ra uống để bù nước. Bởi nó không có tác dụng làm cân bằng nước và điện giải. Nó kích thích sinh nhiệt sau đó cao hơn, kích thích gây đi tiểu nhiều hơn, làm cho sự rối loạn nước và điện giải không thu được tác dụng gì mặc dù uống bia cung cấp khá nhiều nước.

Bạn cũng đừng vội lấy nước ngọt đóng chai hoặc nước hoa quả đóng chai ra uống. Bởi thứ nước này xóa tan cảm giác khát nhanh chóng do chúng làm tê liệt đầu mút thần kinh vùng hầu họng. Đầu mút thần kinh không còn khả năng nhận cảm khát nhưng thực tế trung tâm điều nhiệt đang rất “khát”.

Bạn có sẵn sữa trong tủ lạnh và cũng muốn lấy sữa ra uống? Chúng tôi cũng khuyên không nên bởi sữa có nhiều chất béo, nhiều chất đường. Chúng tạo ra cảm giác no nê về mặt dinh dưỡng và nhanh chóng làm cho bạn không muốn uống tiếp theo. Nhưng vấn đề tâm điểm ở đây là nước chứ không phải là dinh dưỡng.

Vậy thì cuối cùng là nước gì? Bia không, nước ngọt không, nước hoa quả đóng chai không, sữa không. Vậy thì còn gì để uống?

Hãy lấy nước trắng bạn vẫn dùng hàng ngày. Thứ nước này không gây ra bất cứ một tác dụng phụ nào với sức khỏe như những nước trên. Trong mục tiêu bù đủ nước cho cơ thể thoát nóng, nước trắng là thứ nước an toàn và hiệu quả nhất. Bạn có dễ tìm nước này không? Chúng tôi cho là dễ tìm bởi nhà ai cũng có và cũng có khả năng sản xuất được: chỉ cần đun sôi, để nguội, cho vào bình, thế là xong.

Nhưng còn tốt hơn nữa nếu bạn cho thêm vào nước trắng một chút đường và một chút muối. Cứ lấy chừng 5 gam muối tinh hạt trắng, loại muối không phải muối bột canh, 20 gam đường hòa tan cho 1 lít nước trắng thì thứ nước này rất tuyệt vời. Nó tuyệt vời không phải nó cung cấp dinh dưỡng hay một cái gì đó cao siêu. Mà nó tuyệt vời bởi nó: dập tắt cơn khát nhanh chóng theo cơ chế sinh lý của cơ thể, để cho trung tâm khát tự hết khát; làm mát trung tâm điều nhiệt nhanh tới không tưởng; hấp thu nước qua thành ruột với tốc độ ấn tượng; xử lý các rối loạn nước và điện giải hiệu quả. Mặc dù vị của nó lợ, ngang và cũng hơi khó uống nếu bạn uống lần đầu. Nhưng không sao, từ lần uống thứ 2 bạn sẽ cảm thấy thích.

Nếu dùng đúng thứ nước như trên, bù nước đúng như cách chúng tôi hướng dẫn, bạn có thể tự tin bước vào làm việc hoặc tiếp xúc với nắng nóng khá an toàn mà không lo tai biến xảy ra. Tất nhiên, đừng quên mang theo dụng cụ bảo hộ khi làm việc.

BS. YÊN LÂM PHÚC

Rate this post