Trong trà có tanin, caffein, tinh dầu, vitamin, protid và chất khoáng. Cà phê chứa lipid, chất khoáng và caffein. Trà và cà phê chứa caffein nên có tác dụng kích thích hưng phấn hệ thần kinh trung ương, hoạt động tim mạch, thận và ống tiêu hóa. Trà khô có chứa 2,5 – 4% caffein còn trong cà phê lượng cafein là 0,6 – 2,4%. Tuy lượng caffein trong cà phê thấp hơn trà nhưng có tác dụng mạnh hơn trà vì chúng thường dùng tới 10 – 15g cà phê để pha 1 cốc, còn trà thì dùng ít hơn. Vì vậy, uống cà phê và nước trà có thể giúp bạn tỉnh táo bởi chất kích thích thần kinh, nhưng chúng cũng có nhiều tác hại đến sức khỏe và tinh thần của bạn.
Những tác hại của caffeine trong cà phê và nước trà
Caffeine có tác dụng khử nước: Nếu trẻ em từ độ tuổi học cấp 1 đến cấp 3 uống nhiều cà phê hay các đồ uống chứa caffeine thì quá trình phát triển cơ thể sẽ gặp những vấn đề như: Chóng mặt, căng thẳng, buồn ngủ, ói mửa, ngất xỉu… Nếu cơ thể hấp thụ nhiều chất này khiến tim đập nhanh hơn, dễ dẫn đến nguy cơ đau tim. Nếu bạn uống cà phê hay nước trà để thấy tỉnh táo hơn thì cảm giác tỉnh táo chỉ là tạm thời. Do vậy trà hay cà phê không giúp ích cho cơ thể mà còn có tác dụng ngược lại. Đó là nó gây ra hàng loạt các biểu hiện mất tập trung, mất ngủ, mỏi mệt và thường gà gật vào ban ngày ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Rất nhiều bạn trẻ lựa chọn cà phê là thức uống cho việc thức khuya ôn bài..
Theo các chuyên gia, cơ thể trẻ em khác với cơ thể của người lớn, chỉ cần hấp thụ hơn 100 milligram caffeine/ ngày cũng có thể dẫn đến chứng tăng huyết áp. Uống nhiều caffeine có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt là ở những người đã bị tăng huyết áp. Những người bị tăng huyết áp được cho dùng 250 mg caffeine (khoảng 2 tách cà phê) thì huyết áp của họ được nâng lên sau khoảng 2-3 giờ.
Cafein gây đau tim: Nghiên cứu của Tiến sĩ Lucio Mos (Mỹ) cho thấy, những người trẻ tuổi được chẩn đoán tăng huyết áp nhẹ thì tăng gấp 4 lần nguy cơ đau tim nếu họ tiêu thụ lượng caffeine tương đương với 4 ly cà phê và uống vừa phải (2 ly cà phê) thì tăng nguy cơ 3 lần.
U nang vú ở phụ nữ: Một nghiên cứu cho biết, phụ nữ tiêu thụ 31-250 mg caffeine/ngày gia tăng 1,5 lần trong việc phát triển ngực lệch và các bệnh liên quan đến vú. Những phụ nữ uống hơn 500 mg/ngày tăng 2,3 lần nguy cơ phát triển u nang. Vì thế ở học sinh nữ lứa tuổi dậy thì cần chú ý tác hại này.
Caffeine có thể gây mất ngủ: Caffeine trong cơ thể sẽ kích thích thần kinh gây căng thẳng và mất ngủ. Nếu học sinh bị mất ngủ thì ảnh hưởng rất lớn đến buổi học hôm sau, hay ngày thi hôm sau khó đạt kết quả tốt.
Cafein có thể gây ra chứng khó tiêu: Những học sinh uống nhiều cà phê thường xuyên thường bị đau bụng hay khó tiêu. Nhất là khi uống cà phê lúc bụng đói.
Cafein có thể gây đau đầu: Nếu bạn uống một lượng cà phê ít nhưng thường xuyên thì chất caffeine có thể làm giảm nhức đầu. Nhưng khi bạn lạm dụng chất caffeine có thể gây ra đau đầu và dẫn đến đau nửa đầu.
Dị ứng caffeine: Ở những người quá nhạy cảm với chất caffeine, sẽ gây ra phản ứng dị ứng như phát ban trên da.
Caffein gây co bóp tim mạnh hơn: Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ngay sau khi uống cà phê hay nước trà thì tim co bóp mạnh hơn. Khi tim co bóp mạnh có thể khiến học sinh bị đau ngực, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cà phê làm tăng lo âu: Nếu bạn uống nhiều caffeine có thể tăng lo âu, trầm cảm. Học sinh mắc chứng này lực học sẽ sa sút, làm bài thi sẽ khó đạt kết quả tốt.
Rối loạn phát triển xương: Chất caffeine cản trở sự phát triển xương và cũng có thể dẫn đến nguy cơ gãy xương. Tác dụng này phụ thuộc liều dùng, nếu dùng nhiều cà phê thì nguy cơ càng cao. Ở lứa tuổi học sinh việc rối loạn phát triển xương có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và vóc dáng của trẻ.
Để kiểm tra một học sinh có nghiện caffein hay không, bạn hãy ngưng cho trẻ uống những loại nước uống có chứa chất kích thích này trong vòng 24 giờ. Nếu trẻ có các biểu hiện kém linh hoạt, lờ đờ, hay nhức đầu thì rõ ràng trẻ đã nghiện. Bạn phải ngừng sử dụng ngay lập tức.
Những tác hại nếu uống phải “cà phê giả”
Vì lợi nhuận và lợi dụng sự dễ dãi của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm cà phê tại Việt Nam đã bị pha trộn tạp chất, hóa chất, tẩm ướp hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản… vào cà phê. Những thành phần độc hại này tạo thành một dòng sản phẩm cà phê với hàng loạt những mối nguy hiểm không giới hạn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chẳng hạn việc dùng bắp (ngô) và đậu nành rang cháy khét cùng đường caramen cho thêm vào cà phê sẽ tạo ra khoảng gần 21 loại độc tố có hại cho cơ thể, trong đó có các chất: Acrylamide, heterocylic amines, HCAs,…là những chất gây ung thư; hoặc chất CNC tạo sánh, nếu là loại được sử dụng cho công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại.
Chất tạo màu đen: Màu caramel tại các cơ sở sản xuất cà phê chủ yếu được nấu từ mật rỉ đường, vốn không được sử dụng trực tiếp cho người mà chỉ làm thức ăn gia súc.
Chất tạo vị đắng: Một số cơ sở có thể sử dụng thuốc ký ninh (thuốc chữa sốt rét), vừa có vị đắng đúng của cafe rất mạnh, vừa có caffeine để người uống vẫn có cảm giác bị kích thích giống như cafe thật. Tuy nhiên, chất này ảnh hưởng rất lớn đến tim, thận…
Chất tạo sánh: Người ta hay dùng CMC (Carboxy methyl cellulose) để tạo sánh cho cafe vì đây là phụ gia được dùng trong thực phẩm và công nghiệp, có thể nguy hại do mức độ tạp chất cao.
Chất tạo ngọt: Chủ yếu vẫn dùng cyclamate (đường hóa học) là loại chất tạo ngọt bị cấm sử dụng do nguy cơ gây ung thư.
Chất tạo bọt: Do người tiêu dùng thường thích ly cà phê có một lớp bọt dày, nên nhiều cơ sở đã sử dụng những chất hoạt động bề mặt hoặc chất tẩy rửa để tạo bọt, chất thường dùng là sodium lauryl sunfate hoặc sodium lauryl ether sunfate, các chất này đều dễ gây kích ứng da, tổn thương niêm mạc.
Nước trà có thể giúp bạn tỉnh táo nhưng cũng có nhiều tác hại đến sức khỏe và tinh thần.
Cà phê là một thức uống phổ thông, ưa dùng, học sinh không nhất thiết phải kiêng hẳn. Tuy nhiên không nên uống quá 2 ly cà phê mỗi ngày. Có thể uống lúc sáng sớm hoặc uống trước khi tập thể dục. Không nên uống liền trước khi vào phòng thi. Không nên uống liền sau khi ăn để không ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Không uống sau 2 giờ chiều để tránh làm rối loạn giấc ngủ. Những người dễ bị căng thẳng, nên chọn dùng loại cà phê đã rút bỏ bớt chất caffeine.
Tác hại khi dùng trà không đúng cách
Ngoài những tác hại do chất caffein nói trên có trong nước trà, nếu bạn uống trà không đúng cách sẽ có những tác hại khác nữa.
Nấu nước trà trên bếp: Khi đun chè ở nhiệt độ cao, chất axit tannic trong lá trà hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi phần lớn, đồng thời vitamin C trong lá trà cũng bị phân hủy.
Nhai nuốt lá trà: Trong quá trình gia công, thành phần đường trong lá trà bị giải nhiệt sẽ tạo nên một số chất gây ung thư như benzopyrene.
Uống trà đặc: Trong nước trà đặc có hàm lượng caffein khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm tăng độ hưng phấn. Đặc biệt uống trà trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ, thậm chí gây mất ngủ.
Uống trà lúc đói: Khi học sinh đói bụng uống trà sẽ làm loãng dịch vị, giảm chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm loét dạ dày.
Uống trà ngay sau bữa ăn: Trong lá trà có nhiều axit, sau khi ăn uống trà ngay, protein và chất sắt trong thức ăn sẽ tác dụng kết tủa với axit, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt.
Uống nước trà pha để lâu: Khi pha trà để quá lâu, lượng caffeine trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, uống vào gây khó chịu.
Trà đặc chứa nhiều oxalate, khi uống trà đặc chứa nhiều oxalate có thể tạo thành sỏi thận.
ThS. Nguyễn Xuân Thắng